Loay hoay tìm kiếm phương tiện đi lại là tình cảnh chung của rất nhiều người dân ở thời điểm hiện nay do không thể đi xe khách, xe buýt hay taxi như trước.
Do không nắm được thông tin nên bà Nguyễn Thị Quyết vẫn đứng chờ xe buýt và cuối cùng phải về quê bằng xe ôm
Vẫn chờ xe buýt
8 giờ ngày 30.3, bà Nguyễn Thị Quyết ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) với một đống đồ đạc lỉnh kỉnh đứng ngồi không yên tại nhà chờ xe buýt cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì chờ hơn 1 giờ nhưng không có xe buýt để về quê. Tuần trước, hết ca trông cháu ở bệnh viện, bà Quyết chỉ việc đi bộ ra cổng chờ một lát là có xe để về.
Nhiều người chạy xe ôm đến cho biết không còn xe buýt nhưng bà Quyết không tin. Không có điện thoại, không nhớ số điện thoại của người nhà, không thể quay vào bệnh viện, sau nhiều lần mặc cả, bà Quyết phải cắn răng đi một chuyến xe ôm với giá hơn 100.000 đồng. "Tiền này tôi đi được gần chục chuyến xe buýt. Biết thế tôi đã dặn cháu lên đón cho rẻ", bà Quyết ngoái lại nói.
Những người đi lại trong tỉnh còn dễ, người buộc phải đi xa trong những ngày này rất bất tiện. Cũng trong buổi sáng 30.3, ông Lê Hải H. ở TP Hải Dương ghé vào văn phòng của nhà xe An Sinh tại bến xe khách Hải Dương để hỏi vé đi TP Hồ Chí Minh vào tuần tới.
Mỗi năm vài bận, ông H. hoặc vợ đều ra vào TP Hồ Chí Minh bằng máy bay để trông cháu ngoại. Vừa rồi, con dâu ông gọi điện về nói nhờ bố mẹ vào trông cháu ngay để chị có chuyến công tác dài ngày ở miền Trung. Không đặt được vé máy bay do hàng không giảm chuyến nên đành phải đi xe khách, nhưng khi đến đây, ông H. được trả lời xe khách đi TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tạm dừng hoạt động ngay thời điểm này.
Lúng túng vì không biết xoay xở thế nào, ông H. vào văn phòng Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương gần đó để hỏi và cũng được giải thích xe đi TP Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận tải có xe đến TP Hồ Chí Minh như An Sinh, Việt Hưng từ đầu tháng đến nay chỉ chạy 1 chuyến. "Không còn cách nào để đi TP Hồ Chí Minh nên tôi thống nhất lại với con đành phải thuê người trông cháu", ông H. nói.
Hoạt động vận tải tại các bến xe vắng lặng vì phải tạm dừng hoạt động
Không chỉ người dân có nhu cầu đi xe buýt, xe khách tuyến cố định, trong thời gian này, những người đi taxi cũng không thể sử dụng dịch vụ. Từ 0 giờ ngày 28.3 đến nay, hàng nghìn xe taxi của 18 doanh nghiệp trong tỉnh buộc phải tạm dừng hoạt động. Những ngày này, gọi đến tổng đài của các hãng taxi, hành khách liên tục thấy máy bận, không có người trả lời, còn một số hãng thông tin rõ việc tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng thông tin, bắt đầu từ ngày 30.3 tạm dừng chạy tất cả các đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng trong các ngày từ thứ hai đến thứ năm. Trên tuyến này chỉ còn 2 đôi tàu nhưng chạy hạn chế vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Trước đó, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng cũng đã tạm dừng 4 đôi tàu vào tất cả các ngày trong tuần.
Ngày càng khó khăn
Theo thông báo của Sở Giao thông vận tải, bắt đầu từ 0 giờ ngày 31.3 tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách trong tỉnh, bao gồm các tuyến vận tải cố định trong tỉnh, liên tỉnh từ Hải Dương đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.
Các xe hợp đồng từ Hải Dương đi ra tỉnh ngoài và ngược lại cũng phải tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Mặc dù người dân đã hạn chế đi lại rất nhiều so với trước nhưng cũng không ít người buộc phải đi trong những ngày này.
Ga Hải Dương hiện mỗi tuần chỉ còn 2 đôi tàu lên - xuống Hải Phòng - Hà Nội
Nhiều người quay trở lại sử dụng phương tiện cá nhân, một số phải đi xe ôm ở những chặng ngắn. Những chặng dài nhiều người thuê xe dịch vụ. Hiện đã xuất hiện dịch vụ xe con hoạt động như taxi đưa đón khách tại một số địa điểm công cộng như cổng bến xe, bệnh viện...
Ông Phạm Thành Giang, Trưởng bến xe Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết nhiều xe đi tỉnh ngoài như Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắc, Thanh Hóa..., các tuyến xe buýt đi nhiều tỉnh, thành phố lân cận và các huyện, thành phố trong tỉnh đều nằm bến. "Vì lý do an toàn nên buộc phải tạm dừng hoạt động. Hầu hết hành khách hiểu rõ điều đó. Nhiều người rất khó khăn khi không thể đi lại bằng xe buýt, nhất là người lớn tuổi không biết đi xe máy, không có người đưa đón", ông Giang cho biết.
Theo ông Vũ Văn Quyến, Giám đốc Công ty CP Quản lý các bến xe khách Hải Dương, khi có chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải về tạm dừng hoạt động một số loại phương tiện vận tải khách, công ty đã lập tức yêu cầu các bến xe, doanh nghiệp vận tải thông báo cho lái xe, nhân viên để thông tin cho khách hàng chủ động lựa chọn phương tiện đi lại khác.
Dự báo trong những ngày tới, việc đi lại của nhân dân trong tỉnh sẽ còn khó khăn hơn, nhất là khi các tỉnh, thành phố lân cận đã tạm dừng hoạt động của xe khách, xe buýt qua Hải Dương.
Đến ngày 30.3, đơn vị đã nhận được công văn của các Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn về việc tạm dừng hoạt động các xe khách liên tỉnh từ các địa phương này đến Hải Dương và ngược lại.
Ông Bùi Đức Chính, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà ngành vận tải Hải Dương phải đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh.
TIẾN HUY