Chỉ có vượt qua suy nghĩ cũ, tạo thêm động lực mới, đặc biệt là tận dụng tốt nhất mọi cơ hội của thời đại số mới có thể hiện thực hóa mong muốn đất nước thịnh vượng, nhà nhà sung túc.
Các kỹ sư trẻ của FPT thử nghiệm xe điện tự hành tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh
Việt Nam có thể tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) để đi tắt, đón đầu, đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên, không bị bỏ rơi lại phía sau là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Bình nói: CMCN 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, trình độ phát triển còn thấp nên Việt Nam không thể bắt nhịp ngay từ đầu. Từ đó làm cho trong xã hội nảy sinh nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nhau về CMCN 4.0.
Có tư tưởng suy nghĩ bàng quan, thụ động, thậm chí tự ti cho rằng đó là việc của ai đó, rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi, cớ gì vội vàng làm 4.0. Cũng có những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan nóng vội, duy ý chí, cái gì cũng nói đến 4.0, coi rằng 4.0 xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến những mặt trái, những hệ lụy, những tác động tiêu cực của nó.
Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22.3.2018 về định hướng xây dựng "Chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", và mới đây, ngày 27.9.2019, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 52-NQ/TW về "một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0" thể hiện khát vọng của cả đất nước, chủ động tích cực tham gia CMCN 4.0.
* Với nghị quyết này, chúng ta bắt nhịp CMCN 4.0 để có thể đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên, phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Thứ nhất, phải xác định chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0, xem đó là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để có quyết tâm trong đổi mới tư duy, đổi mới hành động.
Thứ 2, CMCN 4.0 mang đến cả cơ hội và thách thức, trong đó cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên phải chủ động tích cực, phòng ngừa ứng phó với tất cả những tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ 3, phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng một thể chế cho phù hợp. Có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng cơ chế thí điểm với những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra, tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Không bàng quan, thờ ơ, thụ động, nhưng cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Thứ 4, huy động mọi nguồn lực của thành phần kinh tế cả trong nước và ngoài nước để đáp ứng đủ nguồn lực nhằm tham gia CMCN 4.0.
Tôi xin nhấn mạnh quan điểm đầu tiên trong 4 quan điểm lớn nêu trên giúp chúng ta giải tỏa những tư tưởng đang tồn tại trong xã hội để tạo sự tự tin vững vàng của đất nước để chủ động tham gia CMCN 4.0.
* CMCN 4.0 ở Việt Nam thực chất là cuộc cách mạng về thể chế, như phải xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm", ông nghĩ thế nào?
- Phần lớn chuyên gia đánh giá rằng CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế, bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, thậm chí "bùng nổ" khiến cho khuôn khổ thể chế lâu nay không còn phù hợp nữa. Do vậy, phải thay đổi mạnh mẽ về thể chế - là bản chất của CMCN 4.0.
Từ đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm - đây là điểm rất mới.
Bao lâu nay chúng ta vẫn tư duy cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm. Vậy khó có được sự đổi mới, sáng tạo và chúng ta phải đứng lại trong khi CMCN 4.0 tràn qua, và chúng ta sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau.
Tiếp cận mở và sáng tạo có ý nghĩa hết sức to lớn, đòi hỏi các cấp hoạch định chính sách phải có thay đổi mạnh mẽ, có đầy đủ kiến thức có thể nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của CMCN 4.0.
Đặc biệt có bản lĩnh để dám thích ứng với nó, đồng thời lường đón được các tác động tiêu cực của CMCN 4.0 có thể mang tới và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Không gian khởi nghiệp tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương
* Nhưng cũng có quan điểm cho rằng đất nước chúng ta chưa đủ nguồn lực để tham gia CMCN 4.0?
- Chúng ta phải huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tôi xin nhấn mạnh hai ưu thế của Việt Nam khi tiếp cận CMCN 4.0:
Về nguồn lực, có hai yếu tố quan trọng, đó là vốn và nguồn lực con người. Về vốn, nhiều nước phát triển đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cho ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Cái được là tạo ra nền tảng hết sức quan trọng, nhưng cũng là trở ngại khi tiếp cận CMCN 4.0 vì họ không dễ gì bỏ đi những gì mà mình đã có.
Với Việt Nam, điểm yếu là chưa có được điểm xuất phát tốt, nhưng nếu chúng ta tập trung nguồn lực, bỏ qua các đầu tư cho phát triển trước để tiếp cận ngay CMCN 4.0, sẽ giảm thiểu nguồn lực mà chúng ta phải bỏ ra.
Nguồn lực của CMCN 4.0 chủ yếu do cơ chế chính sách mang lại. Chúng ta có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả; khi có đổi mới sáng tạo hiệu quả, sẽ có sản phẩm tốt; có sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới.
Với cách lập luận và hiểu rõ bản chất như vậy, chúng ta không chủ quan nhưng không tự ti là chúng ta không thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0. Cơ hội đang nằm trong tay chúng ta, có vậy mới đi tắt, đón đầu, đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên.
Theo Tuổi trẻ