Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Chiều 28/12, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 7 để tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với 6 kết quả chính như triển khai hiệu quả Năm Dữ liệu số quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực với gần 80% người dân Việt Nam sử dụng internet; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022; chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số vào khoảng 20%/năm, gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu; nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024; xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu 100% thôn, bản được cung cấp cáp quang.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Tại Hải Dương, công tác chuyển đổi số năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hải Dương đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng chuyển đổi số tính đến tháng 6/2023, tăng 1 bậc so với năm 2021. Trong đó, hoạt động chính quyền số xếp thứ 15/63, hoạt động kinh tế số xếp thứ 7/63, hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63. Đặc biệt, đánh giá về Cổng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Hải Dương là một trong 9 tỉnh, thành phố đạt mức A, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp 1.900 dịch vụ công, trong đó có 573 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hải Dương đã tích hợp được 612 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 90%, tăng 14% so với năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 87,4%, tăng 31,4% so với năm 2022.
Số thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 427 thủ tục (đạt 98,16%), tăng 71 thủ tục hành chính so với cuối năm 2022. Tỷ lệ thủ tục hành chính có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 20,07%, tăng 18,07% so với cuối năm 2022. Sử dụng ứng dụng VNeID tra cứu thông tin bảo hiểm y tế tại 298/298 cơ sở khám chữa bệnh, khai báo lưu trú.
Toàn tỉnh hiện có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số, 8.330 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (SMEdx); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%...