Đeo khẩu trang trở thành chuyện chính trị ở Mỹ

12/07/2020 18:14

Trong một tháng qua, nhận thức: ''Nếu theo phe Trump, đừng đeo khẩu trang. Nếu chống Trump, cứ việc đeo'' phổ biến ở Mỹ. Điều này đã không còn đúng sau khi ông Trump xuất hiện với khẩu trang ngày 11.7.


Việc ông Trump chọn thời điểm đeo khẩu trang dường như đã được tính toán. Ông xuất hiện với chiếc khẩu trang trên mặt khi đi cùng các tướng lĩnh. Ảnh: AFP

Chiếc khẩu trang nhỏ, vốn được dùng để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, đã bị biến thành công cụ chính trị và thể hiện quan điểm ở Mỹ.

Việc ông Trump đeo khẩu trang khi đi thăm một bệnh viện quân y ngày 11.7, điều ông chưa từng làm trước đây, khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng sẽ không bất ngờ nếu nhìn lại việc tổng thống đã bị gây áp lực cả trực tiếp lẫn gián tiếp lớn như thế nào chỉ vì chiếc khẩu trang trong vài tuần qua.

Thoạt đầu, những người chỉ trích ông Trump hăng say nhất vẫn là phe Dân chủ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo mỗi ngày đều đặn lên Twitter đăng những bài ám chỉ ông Trump là tổng thống mà không làm gương.

"Đến con nít còn làm được. Đeo khẩu trang đi", ông Cuomo viết đầy ẩn ý trong đoạn clip về một bé gái giải thích vì sao đeo khẩu trang lại quan trọng trong mùa dịch.

New York là một trong 20 tiểu bang bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Phe Dân chủ lập luận việc ông Trump liên tục từ chối đeo khẩu trang đã kích động các nhóm ủng hộ ông chống lại lệnh của các tiểu bang. Ở một vài nơi, những nhóm ủng hộ cực đoan còn tuyên bố sẽ kiện chính quyền vì xâm phạm quyền hiến định của họ khi bắt buộc đeo khẩu trang.

Brad Sherman, một nghị sĩ Dân chủ sau khi đến Nhà Trắng họp giao ban các vấn đề tình báo đã gọi nơi đây là "khu vực không khẩu trang" (mask-free zone). Nhà Trắng là nơi ở của ông Trump nhưng cũng là nơi làm việc của ông và nhiều người khác.

Ông Sherman mô tả không ai trong số Cánh Tây Nhà Trắng giữ khoảng cách tối thiểu như khuyến nghị. Cuộc họp mà ông tham dự có 8 người nhưng chỉ có một người đeo khẩu trang.

Thống đốc New York kêu gọi đeo khẩu trang trên Twitter. Những lời ông viết khiến nhiều người nghĩ ông đang ngầm chế giễu ông Trump. Ảnh chụp màn hình

Nhà Trắng đã nhiều lần bảo vệ Tổng thống Trump rằng ông không cần đeo khẩu trang vì ông và những người làm việc gần thường xuyên được xét nghiệm virus.

Nhưng bên trong Đảng Cộng hòa, ngay cả những người được xem là đồng minh của ông Trump cũng bắt đầu kêu gọi tổng thống đeo khẩu trang. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lamar Alexander đã thẳng thắn nói ông Trump nên đeo khẩu trang, dù chỉ là một giai đoạn ngắn, để làm gương.

"Thật không may, một hành động đơn giản để giữ an toàn cho sức khỏe đã bị biến thành một phần của những tranh cãi chính trị", ông Alexander, người năm nay đã 80 tuổi, bộc bạch. 

Đeo khẩu trang vì bất mãn


Phó Tổng thống Mike Pence đeo khẩu trang khi tham gia một sự kiện đông người. Ảnh: REUTERS

Tạp chí Wall Street Journal tiết lộ không phải tất cả những người Cộng hòa đeo khẩu trang là vì muốn làm gương cho dân chúng. Một số người xem việc đeo khẩu trang như một hành động thể hiện sự bất mãn với ông Trump.

Phó tổng thống Mike Pence và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, hai nhân vật gần gũi với ông Trump nhất trong Đảng Cộng hòa, đang tạo khoảng cách với tổng thống vì chiếc khẩu trang.

Hãng thông tấn AP nhận định các chính trị gia Cộng hòa như ông McConnell hay ông Pence đang lo cho tương lai chính trị của họ hơn là thể hiện sự chống đối với ông Trump.

"Đeo có cái khẩu trang thôi mà - đâu có gì phức tạp đâu", ông McConnell thúc giục người dân nhớ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đến nơi công cộng. 

Dù đã ở tuổi 78, thượng nghị sĩ McConnell vẫn muốn tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra song song với bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. 

Trong vài tuần qua, những nơi ông McConnell đến ở Kentucky, chiếc khẩu trang thành vật bất ly thân và luôn được ông giơ cao trước rừng máy ảnh. Nói như một nhà quan sát, "nếu anh muốn cho cử tri thấy anh thực sự quan tâm tới họ, anh phải cho họ thấy anh lo được cho sức khỏe của mình trước đã".


Thượng nghị sĩ McConnell sử dụng khẩu trang để tăng thêm sức thuyết phục người dân khi vận động tranh cử. Ảnh: AP

Theo AP, các nghị sĩ Cộng hòa không muốn thấy các lệnh phong tỏa, giới hạn sản xuất hay giãn cách xã hội nữa bởi điều đó sẽ chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, kéo theo các khoản trợ cấp khác khiến ngân sách càng thêm thâm hụt. Họ muốn một trạng thái bình thường mới, mọi người tham gia sản xuất với khẩu trang trên mặt.

Hầu hết các thượng nghị sĩ Cộng hòa đều đeo khẩu trang, ngoại trừ một người - thượng nghị sĩ Rand Paul, người tin rằng đã miễn nhiễm với virus sau khi được xét nghiệm dương tính cách đây vài tháng.

Tổng thống Trump, một người có cá tính mạnh, tất nhiên không muốn nhận mình đeo khẩu trang vì bị khuất phục trước các sức ép. 

"Tôi nghĩ nếu tới bệnh viện và nói chuyện với các binh sĩ, một vài người có thể vừa mới phẫu thuật xong, đeo khẩu trang là điều cần thiết", ông Trump phân trần.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đeo khẩu trang trở thành chuyện chính trị ở Mỹ