Những ngày tháng 11 này, mỗi ngày có từ 500 đến 600 nhà giáo, học sinh và du khách thập phương về dâng hương, tham quan Đền thờ Chu Văn An ở TP Chí Linh.
Những ngày trung tuần tháng 11, tháng tri ân các nhà giáo thường có rất đông học sinh và du khách về dâng hương tại Đền thờ Chu Văn An
Tháng tri ân thầy cô và kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, tại khu vực Đền thờ nhà giáo Chu Văn An cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục. Nhiều trường học trong cả nước, của tỉnh Hải Dương và TP Chí Linh cũng tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Nhiều du khách về đây dâng hương tưởng nhớ thầy và xin chữ cầu cho công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.
Theo sử sách, Chu Văn An (1292-1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam. Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy gian thần nhưng vua không nghe. Ông từ quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, nay thuộc phường Văn An (TP Chí Linh) dạy học, viết sách cho đến khi mất. Cuộc đời thanh bạch của thầy Chu Văn An đáng để muôn đời ngưỡng mộ, tôn xưng là bậc Danh sư. Ông là một trong số rất ít bậc hiền sĩ sau khi mất được thờ và ghi lại sự nghiệp trong văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Hiện nay, cả nước có 12 điểm thờ tự danh nhân Chu Văn An và tên của ông được đặt cho 50 trường học và 33 đường phố.
Khu di tích Đền thờ Chu Văn An không chỉ là nơi giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách
Khu đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở phường Văn An nằm giữa khu rừng thông xanh tươi ngút ngàn của núi rừng Phượng Hoàng. Đền được khánh thành ngày 4.1.2008, bao gồm các hạng mục đền thờ chính, hai nhà tả hữu, hai nhà bia và một số hạng mục khác. Khu lăng mộ thầy Chu Văn An nằm cách đền thờ khoảng 600 m.
Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mất, các học trò đã mang thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương tiếc. Đã hơn sáu thế kỷ, kể từ khi nhà giáo Chu Văn An qua đời, những tư liệu viết về ông đã thất lạc nhiều, di tích liên quan đến ông cũng thay hình đổi dạng nhưng ông vẫn để lại tư tưởng, hình ảnh sâu sắc về một nhà giáo tài đức vẹn toàn, người thầy của muôn đời.
PHƯƠNG TUẤN