Lao động - Việc làm

Đề xuất trích lãi từ Quỹ bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho 213.000 lao động

TN (theo VnE) 26/05/2024 17:58

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất dùng tiền lãi kết dư từ Quỹ bảo hiểm xã hội xóa nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho hơn 213.000 lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị đánh giá quy chế làm việc giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động, ngày 26/5. Ảnh: Hải Nguyễn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị đánh giá quy chế làm việc giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động, ngày 26/5.

Đề xuất của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội nêu tại hội nghị sáng 26/5, sau khi Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm chỉ đạo Bộ này rà soát danh sách, có chính sách đặc thù đảm bảo quyền lợi cho số lao động trên.

Theo thống kê hết năm 2022, tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.000 lao động tại các đơn vị này bị treo quyền lợi. Họ không thể chốt sổ BHXH để xin vào công ty mới và đóng bảo hiểm tiếp, quyền lợi hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất đều bị ảnh hưởng.

Giữa năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương giải quyết chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ốm đau thai sản, tử tuất cho lao động tại các doanh nghiệp này theo nguyên tắc "đóng đến đâu hưởng đến đó", không cộng thời gian bị nợ. Nếu sau này khoản tiền nợ BHXH được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng và chi trả bổ sung chênh lệch.

Cách giải quyết này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ là xử lý tạm thời, trong khi quyền lợi của lao động vẫn bị ngắt quãng khi doanh nghiệp không đóng. Ông dẫn chứng việc cấp thẩm quyền từng xóa nợ thuế và cho biết đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chủ trương xóa khoản nợ xấu bằng tiền lãi từ kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Khi khoản này được xóa thì mới có thể giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động.

"Nếu không, quyền lợi của hàng trăm nghìn người cứ treo đó", ông nói.

Công nhân từng làm việc tại Công ty T.B.O Vina tập trung trước Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng gửi kiến nghị được chi trả nợ BHXH vì chủ đã bỏ trốn, tháng 3/2023. Ảnh: Hồng Chi
Công nhân từng làm việc tại Công ty T.B.O Vina tập trung trước Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng gửi kiến nghị được chi trả nợ BHXH vì chủ đã bỏ trốn, tháng 3/2023

Ngoài 213.000 lao động bị treo quyền lợi khi chủ bỏ trốn, các cấp thẩm quyền cũng đang tìm phương án giải quyết chế độ cho 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH trái luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đề xuất ba phương án.

Phương án một, tính thời gian chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ theo quy định, đồng thời bổ sung chủ hộ kinh doanh thuộc diện đóng bắt buộc vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phương án hai, hoàn trả tiền đóng và thu hồi tiền đã chi cho các chế độ bắt buộc như ốm đau, thai sản, BHTN. Các khoản thu hồi lẫn hoàn trả này sẽ không tính lãi.

Phương án ba, tích hợp hai nội dung vừa nêu, tính thời gian đóng BHXH bắt buộc cho các chủ hộ và đưa nội dung vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

TN (theo VnE)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất trích lãi từ Quỹ bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho 213.000 lao động
    ss