Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chúng ta phải mạnh dạn ứng dụng chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến"

06/06/2023 18:40

Ngày 6.6, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã chất vấn, tranh luận tại nghị trường trong phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn, tranh luận tại hội trường

Chất vấn vào sáng 6.6, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết phần lớn nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của các quốc gia trong OECD thuộc khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Sách trắng Khoa học và Công nghệ thì nhân lực R&D thuộc khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,17%. Đây là tỷ trọng rất nhỏ so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thực hiện cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch, nâng cao tỷ trọng nhân lực R&D trong khu vực doanh nghiệp? Đại biểu cũng gửi câu hỏi này tới Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian vừa qua, Bộ đã cố gắng thực hiện và đạt kết quả nhất định. Về mặt trí tuệ nhân tạo, ngành nghề xanh số AI đã được cập nhật, bổ sung vào danh mục ngành nghề; phê duyệt đào tạo, đào tạo lại thí điểm 20 ngành nghề mới; triển khai nghề điện công nghiệp, cơ điện tử công nghiệp.

“Tuy nhiên, những hạn chế thì còn nhiều hơn. Trong báo cáo gửi Quốc hội đã nêu 4 hạn chế lớn và giải pháp trong thời gian tới. Bộ sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội quan tâm hơn đến lĩnh vực này, đặc biệt là bố trí nguồn lực tài chính cho công việc này. Thứ hai, cần sớm ban hành đầy đủ chuẩn đầu ra. Thứ ba là đẩy nhanh việc phát triển mô hình mẫu về cơ sở xanh, cơ sở thông minh, trí tuệ nhân tạo. Thứ tư là hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi không gian và chuyển đổi xã hội. Chúng ta phải mạnh dạn ứng dụng chuyển giao giáo trình, chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội chưa thoả đáng, chưa đúng trọng tâm đại biểu hỏi, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn tiếp tục tranh luận về vấn đề này tại phiên chất vấn chiều cùng ngày.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết hiện số liệu về nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với yêu cầu đặt ra. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn băn khoăn các dự án về nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp gia tăng nhưng liệu Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp này không?

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới từ góc độ về quan điểm tư duy, chủ trương sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến 1 trong 3 đột phá, đó là phát triển nguồn nhân lực. 


Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ nhưng năng suất lao động chưa có sự bứt phá. Do vậy, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học và giáo sư, tiến sĩ. Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới… Đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động nhưng xuất phát điểm phải từ nguồn lực. Việt Nam có thể đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì cho rằng cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo thợ với thầy trong quy mô đào tạo chung của đất nước. 

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng trước hết cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức xã hội, ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời; rà soát bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thực hiện học văn hóa trong trường nghề; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi… 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chúng ta phải mạnh dạn ứng dụng chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến"