Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất nâng mức lương khởi điểm cho bác sĩ mới ra trường lên mức 8,86 triệu đồng/tháng, tương đương ngành BHXH.
Sáng 24.4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.
Sau khi lắng nghe báo cáo BHXH, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ nhiều tâm tư về đãi ngộ với y bác sĩ hiện tại.
“Tôi có một ước mơ, làm sao để cho nhân viên y tế của chúng tôi, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng mới ra trường được hưởng mức lương 1,8 lần như BHXH và mức lương trung bình 8,86 triệu đồng/ tháng. Đấy là mức lương mơ ước của bản thân tôi, lương tôi cũng chưa đến chừng ấy”, bà Lan nói.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM so sánh, rõ ràng công việc ngành y độc hại nhiều hơn, nguy cơ nhiều hơn, tốn công, tốn sức hơn, áp lực nhiều hơn.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần tăng đãi ngộ cho cán bộ ngành y tế |
Dù ngành y tế khó khăn nhưng vẫn bảo đảm đại đa số bệnh nhân được khám chữa bệnh. Trong khi ngành BHXH, dù anh em cố gắng hết sức, làm cả thứ 7, chủ nhật nhưng nợ vẫn còn đó chưa đòi được.
“Tôi mong ước mơ này thành hiện thực. Đề nghị Bộ Y tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Muốn tăng cường công tác y tế thì phải đầu tư nhiều hơn, không chỉ về cơ sở kỹ thuật mà cả đãi ngộ cho nhân viên”, bà Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết liên quan đến chính sách với cán bộ y tế sẽ có chuyên đề riêng với tinh thần luôn lắng nghe để tiếp thu xây dựng.
Đề nghị "đánh bác sĩ là chống người thi hành công vụ"
Theo Bộ Y tế, tình hình an ninh trật tự an toàn tại một số BV chưa được bảo đảm, vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ hành hung bác sĩ, gần nhất là tại BV Đa khoa Bắc Kạn, BV Xanh Pôn.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có giải pháp mạnh trên cơ sở xem xét khía cạnh pháp luật, liệu có khép hành vi hành hung bác sĩ vào tội chống người thi hành công vụ được không? Nếu không, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra.
ĐB TP.HCM cũng đề nghị, ngành y tế cần tăng cường các giải pháp pháp chế bảo vệ đội ngũ y bác sĩ, như vụ bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố, không thể để bác sĩ đơn độc được.
ĐB tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng chia sẻ, bản thân ông thấy ngành y tế đang cô đơn trong hành trình bảo vệ an toàn cho nhân viên.
Bộ trưởng Y tế cho biết khi các BV tự chủ, sẽ dành chi phí để trả cho lực lượng công an cắm chốt |
“Tôi rất đau lòng khi các bác sĩ thay vì học khám chữa bệnh phải học võ. Tình trạng đạo đức xuống cấp sẽ đẩy sự nghiệp y tế vào bờ vực. Nếu làm cho qua chuyện, làm để đối phó thì rất gay go. Bây giờ phải làm nóng vấn đề này lên, lãnh đạo Đảng, chính quyền phải cùng vào cuộc nghiêm túc chứ không chỉ riêng ngành y tế ”, ĐB Thắng nêu.
ĐB tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc Bộ Y tế đề nghị có lực lượng công an cắm chốt ở các BV rất khó khả thi, không có người ngồi canh được.
Về giải pháp, ông đề xuất phải truyền thông để người dân nhận thức được nếu không bảo vệ đội ngũ y bác sĩ chẳng khác gì “lấy đá ghè chân mình, bệnh nhân là người chịu thiệt thòi đầu tiên.
“Cần thiết phải lập lại trật tự trong cơ sở y tế chứ không chỉ Bộ Công an. Phải luật hóa, không thể chỉ xử lý về hành chính mà phải có chế tài đủ mạnh để tạo tính răn đe, chứ chỉ xử lý tội gây rối thì không ăn thua”, ông Thắng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ, bà đã 2 lần phát biểu trên truyền hình rằng ngành y cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế.
“ĐB nói mô hình cắm chốt công an trong BV không khả thi nhưng thực tế nhiều nơi như BV Việt Tiệp, Ninh Bình, tình trạng hành hung y bác sĩ đã giảm rõ rệt khi có lực lượng này tuần tra thường xuyên. Lực lượng công an viên ở phường rất nhiều, sắp tới các BV tự chủ thì phải trả chi phí cho công an tuần tra”, Bộ trưởng Tiến nói.
Trước nhiều ý kiến của ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: “Ngành y tế không đơn độc, UB luôn ở bên cạnh ngành y tế”.
Theo Vietnamnet