Kkhông ai hiểu tính chất khoản nợ bằng tổ chức tín dụng nên giao cho tổ chức tín dụng tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm...
Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 có hiệu lực vào ngày 13.3/202.0.
Theo quy định, thông tư này có hiệu lực trong vòng một năm, tức là đến ngày 13.3.2021 đã hết thời hạn áp dụng. Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời, giúp các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư này.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo đó nêu rõ, việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN rất cần thiết trong bối cảnh chưa xác định được khi nào Chính phủ công bố hết dịch và diễn biến dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới còn rất phức tạp. Việc sửa đổi sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải.
Đáng lưu ý, với quy định về "Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ..." tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên như Điểm b Khoản 3 Điều 4 tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Bởi lẽ, thực hiện theo thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Điều này dẫn đến khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn, vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi, không thể phục hồi ngay mà trả nợ ngân hàng được. Hơn nữa, rất khó khăn cho tổ chức tín dụng theo dõi, thực hiện theo thông tư sửa đổi và Thông tư 01/2020/TT-NHNN đang áp dụng.
VNBA cũng kiến nghị, nên quy định giao trách nhiệm cho tổ chức tín dụng đánh giá phân loại rủi ro đối với các khoản nợ có nguy cơ rủi ro thực sự đối với khoản nợ đã cơ cấu để trích dự phòng rủi ro theo quy định.
Lý do, không ai hiểu tính chất khoản nợ bằng tổ chức tín dụng nên giao cho tổ chức tín dụng tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm; đồng thời, phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước hàng tháng kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Với quy định như dự thảo Thông tư về "giữ nguyên nhóm nợ, phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro" sẽ dẫn tới việc khách hàng gặp khó khăn cho vay mới trong điều kiện tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro, không loại trừ khả năng khó thực hiện.
Vì vậy, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi vừa an toàn hệ thống, đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa dễ cho tổ chức tín dụng thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vượt qua đại dịch COVID-19.
Trao đổi với báo chí mới đây, tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho hay, các tổ chức tín dụng hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Họ vừa phải triển khai cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho doanh nghiệp; vừa phải đi thu các khoản nợ đó; kèm theo phải trích lập dự phòng rủi ro. Trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu cho vay mới, trong điều kiện nợ cơ cấu là nợ dưới chuẩn thì rất dễ nguy cơ ngân hàng vi phạm quy định. Do vậy, cần có sự chia sẻ, đồng cảm với phía ngân hàng.
"Để tháo gỡ triệt để vấn đề này, chỉ còn giải pháp Chính phủ dành nguồn lực ngân sách khoanh nợ cho các đối tượng thuộc Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đồng thời, xác định nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ do bị thiên tai dịch bệnh, như trường hợp doanh nghiệp thuộc Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Do vậy, Thông tư 01/2020/TT-NHNN sẽ được sửa đổi theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Đồng thời, Thông tư 01/2020/TT-NHNN cũng được điều chỉnh cho phù hợp với sự an toàn và lành mạnh của các tổ chức tín dụng và nền tài chính quốc gia trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo TTXVN