Các chuyên gia cho rằng giảm tiếp thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là cách hạ áp lực lạm phát khi giá dầu dự báo biến động mạnh.
Giá dầu thế giới biến động mạnh từ cuối 2021 đến nay, từ mức 75 USD một thùng lên sát 140 USD vào đầu tháng 3 sau lệnh Mỹ cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga. Sau đó, nhiên liệu này lao dốc từ 110-120 USD mỗi thùng hồi tháng 4 về quanh 90 USD vào đầu tháng 9. Giá dầu được dự báo biến động khó lường và có thể duy trì ở mức cao đến hết năm nay và giữa năm sau.
"Giá dầu tăng giúp Việt Nam tăng thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô, nhưng cũng gây áp lực lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá và kiểm soát lạm phát", ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nêu tại tọa đàm "Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó để ổn định, phát triển", ngày 8/9.
CPI tháng 8 tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,58% so với cùng kỳ năm ngoái (mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4%).
Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, TS Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho rằng cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí với xăng dầu.
Các loại thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt (trừ dầu), bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng.
Từ 11.7, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm kịch khung, còn 1.000 đồng với mỗi lít xăng, dầu 500-700 đồng một lít, kg. Tức là giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550-1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT).
Ông Khôi đề nghị nhà chức trách cân nhắc giảm thuế VAT với xăng dầu đến hết năm nay và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu như nhiều nước đã áp dụng.
"Bối cảnh giá xăng dầu neo ở mức cao, việc giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là giảm thuế thu cố định như bảo vệ môi trường", ông nhìn nhận.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho hay chi phí nhiên liệu chiếm 30-40% của ngành logistics. Giá nhiên liệu liên tục tăng cao làm tăng chi phí, ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông nói các doanh nghiệp logistics, vận tải mong muốn cơ quan quản lý thực hiện ngay các biện pháp giảm thuế, ổn định giá xăng dầu ít nhất hết quý II/2023 để giúp họ hồi phục, ổn định sản xuất.
Đồng tình cần xem xét lại các loại thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, nhưng ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ thuế các doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) nói cần đặt vấn đề giảm thuế trong bài toán tổng thể để tính toán được - mất của chính sách này. Trong đó cần lưu ý tới bảo đảm lợi ích quốc gia, cam kết WTO và bảo lãnh với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ông Phụng không đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT với xăng dầu, vì đây là thuế đánh vào tiêu dùng. Hạ thuế này là cấm kỵ với tất cả quốc gia. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt, năm sau khi cơ quan quản lý sửa Luật thuế này mới "có thể tính tới".
Phương án giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu từng được Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định, điều chỉnh hai loại thuế này thuộc Quốc hội nên không thể áp dụng ngay. Thông thường Quốc hội họp hai kỳ một năm và kỳ họp gần nhất là tháng 10.
Ngoài bài toán giảm thêm thuế với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương án căn cơ để ứng phó với biến động giá dầu là tăng dự trữ quốc gia và bảo đảm sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện mức dự trữ xăng dầu quốc gia khá mỏng. Bình quân 5 năm qua mức dự trữ này khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ.
Còn ông Kenya Maeda, chuyên gia cao cấp bộ phận thương mại và cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan, góp ý Việt Nam cần củng cố, thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng với sản phẩm xăng dầu, từ thu mua nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, bán hàng và tiêu dùng. "Việc sở hữu nhà máy lọc dầu là chìa khóa đảm bảo nguồn cung ổn định", ông nói.
Với các doanh nghiệp, để thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ông Tuấn Anh khuyến nghị, ngoài điều chỉnh giá bán sản phẩm, doanh nghiệp cũng nên thực hiện song song các giải pháp để giảm chi phí, như tiết kiệm nguyên vật liệu, chuyển đổi tiêu dùng năng lượng...
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 9 lần giảm và một lần giữ nguyên. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.640 đồng; E5 RON 92 hạ 7.950 đồng; dầu diesel giảm hơn 4.770 đồng.
Theo VnExpress