Lao động - Việc làm

Đề xuất doanh nghiệp khó khăn được dừng đóng kinh phí công đoàn

LA (theo VnExpress) 06/06/2024 13:30

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm dừng sản xuất.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2024-06-05-_img-8718-jpg-6212-1717595800(1).jpg
Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP Hồ Chí Minh

Tại điều 29 dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.

Thẩm tra, Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí nhằm bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, Điều 30 nêu việc sử dụng kinh phí công đoàn cho 16 nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó có hỗ trợ công đoàn cơ sở chăm lo cho lao động. Vì vậy, giảm kinh phí công đoàn có thể không nhận được sự đồng thuận từ lao động và doanh nghiệp đã đóng đầy đủ bởi vì kinh phí công đoàn là khoản thu bắt buộc, công bằng, bình đẳng đối với tất cả đối tượng đóng.

Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn nguyên tắc, tiêu chí xác định doanh nghiệp khó khăn, mức độ khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn để làm căn cứ, điều kiện miễn, giảm, tạm dừng đóng.

Theo tờ trình, thời gian qua cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chưa nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn. Sử dụng tài chính công đoàn chưa tạo được sự đồng thuận cao về mục đích, cách thức sử dụng.

Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định các cấp công đoàn phải công khai tài chính hàng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn bằng cách niêm yết tại trụ sở làm việc; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản; đưa lên trang thông tin điện tử; phương tiện thông tin đại chúng.

Dự thảo cũng bổ sung quy định cơ quan kiểm tra của Công đoàn có quyền yêu cầu kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn và "Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật".

Ủy ban Xã hội tán thành việc dự luật quy định theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về tài chính công đoàn. Tuy nhiên, dự thảo không quy định rõ ràng về chủ thể kiểm toán là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ.

Dự luật cũng chưa nêu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cho ai. Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn trong dự thảo nội dung này làm cơ sở Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Sáng 5/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Quốc hội sau đó họp riêng để xem xét, quyết định nội dung theo thẩm quyền.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; họp riêng để xem xét, quyết định nội dung theo thẩm quyền và thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

LA (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất doanh nghiệp khó khăn được dừng đóng kinh phí công đoàn
    ss