Công nghiệp

Đề xuất 6 nhóm giải pháp tăng hiệu quả thu hút vốn FDI vào Hải Dương

PV 25/06/2024 18:04

6 nhóm giải pháp để nâng hiệu quả thu hút vốn FDI vào Hải Dương gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn lao động; thúc đẩy hoạt dộng xúc tiến đầu tư; hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện công tác tổ chức quản lý.

img_2185.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương chủ trì buổi đánh giá đề tài khoa học “Đánh giá tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài tới phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Ảnh: MN

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào Hải Dương cho thấy tỷ lệ đánh giá khả năng cung cấp nước và điện của tỉnh ở mức tốt, lần lượt là 92,5% và 82,5%; hệ thống xử lý nước thải và hệ thống giao thông, dịch vụ phụ trợ được đánh giá ở mức trung bình còn nhiều, chiếm khoảng 30%. Hệ thống dịch vụ ngân hàng và phụ trợ có 75% ý kiến đánh giá tốt, mức trung bình có 17,5%. Khoảng 60% đánh giá chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư của tỉnh Hải Dương đạt mức độ tốt, chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoảng 40% ý kiến đánh giá các chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư vẫn ở mức trung bình. 70% đánh giá chi phí thuê đất, chi phí quản lý, dịch vụ, xử lý nước thải của Hải Dương có giá cả hợp lý, ở mức trung bình; khoảng ¼ số doanh nghiệp FDI cho rằng các chi phí trong khu công nghiệp còn ở mức cao…

Đó là những con số đánh giá được đưa ra trong đề tài khoa học “Đánh giá tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương” do tiến sỹ Lê Phương Nam, Viện Kinh tế và Phát triển (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm chủ đề tài.

img_2188(1).jpg
Tiến sỹ Lê Phương Nam, Viện Kinh tế và Phát triển (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: MN

Ban chủ nhiệm đề tài cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp chính đẩy mạnh thu hút FDI hiệu quả hơn vào địa bàn Hải Dương. Đó là các giải pháp về cải thiện cơ sở hạ tầng; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn lao động; thúc đẩy hoạt dộng xúc tiến đầu tư; hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện công tác tổ chức quản lý.

Đáng chú ý là nhóm giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng như nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm. Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp có vị trí thuận lợi để thực hiện các thủ tục thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng (Gia Lộc, Đại An mở rộng giai đoạn 2, Kim Thành). Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông.

Chú trọng quy trình thẩm định đánh giá tính khả thi của các dự án, các doanh nghiệp xin thuê đất tại khu, cụm công nghiệp. Tránh tình trạng tỉnh tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng rất tốn kém nhưng sau đó việc xem xét cấp đất cho các dự án được thực hiện dễ dãi, chưa đúng đối tượng để xảy ra nhiều phức tạp khi không phải tất cả đều là các nhà đầu tư có tiềm năng. Xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các nhà đầu tư phát triển chuỗi hạ tầng khu công nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, tập đoàn có các kênh phân phối hàng đầu đang hoạt động thành công tại Việt Nam đầu tư vào tỉnh. Cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề theo hướng phù hợp với quy mô, nhu cầu của các ngành đang thu hút FDI chủ yếu như xây dựng, cơ khí, điện tử; đón đầu một số xu hướng FDI mới như du lịch và khách sạn…

img_2197.jpg
Ủy viên Hội đồng thẩm định phản biện đề tài. Ảnh: MN

Ngoài ra, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tham dự buổi đánh giá đề tài cũng kiến nghị ban chủ nhiệm bổ sung các giải pháp về ngoại giao kinh tế và xây dựng hạ tầng xã hội như trường quốc tế, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế, điểm vui chơi quy mô, hiện đại…

Kết luận buổi nghiệm thu đề tài, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đánh giá đây là một đề tài rất có ý nghĩa trong bối cảnh Hải Dương đang tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Những giải pháp ban chủ nhiệm đề tài đưa ra trên cơ sở khảo sát ý kiến của nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại tỉnh sẽ là những gợi ý thiết thực cho các sở, ngành tham khảo để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI vào Hải Dương thời gian tới.

PV
(0) Bình luận
Đề xuất 6 nhóm giải pháp tăng hiệu quả thu hút vốn FDI vào Hải Dương
ss