Những video phản cảm như quay cảnh ăn cá sống, thịt dê sống... có thể giúp vài người giải trí, coi là trò vui song nó có những tác hại khôn lường với xã hội.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng. Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều người làm Youtube đăng tải các video nhảm nhí, giật gân nhằm câu khách, tăng số lượt theo dõi, qua đó kiếm tiền bằng các video này. Gần đây nhất là một Youtuber (người chuyên làm video đăng trên mạng xã hội Youtube) ở Bắc Giang bị dư luận phản đối vì đăng video miêu tả cảnh lấy trộm tiền trong con lợn đất của em để đi mua đồ ăn. Ngoài ra, những video phản cảm như quay cảnh ăn cá sống, thịt dê sống hay những video thực hiện các thử thách nhảm nhí, có phần nguy hiểm như ngủ trong quan tài, giả làm động vật, ăn mỳ trong bồn cầu, thả dao từ trên cao… không phải là hiếm.
Những video đó có thể giúp vài người giải trí, coi là trò vui song nó có những tác hại khôn lường với xã hội. Nội dung các video không có các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục mà còn khiến người xem thấy phản cảm vì cổ súy cho những hành vi không đẹp như trộm cắp, ăn uống không hợp vệ sinh… Những người xem nhỏ tuổi như trẻ em, thiếu niên nếu tò mò làm theo những video này thì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Khi những trò nhảm nhí, phản cảm lan truyền, được một bộ phận không nhỏ theo dõi, tung hô thì dễ tạo ra sự lệch lạc trong nhận thức của giới trẻ, cho rằng như vậy mới gây ấn tượng. Nhiều video phản ánh sai lệch các nét văn hóa đời sống như phong tục ăn đồ sống của đồng bào dân tộc thiểu số khiến người dân bất bình.
Hiện đã có các chế tài khá đầy đủ với từng hành vi vi phạm trên không gian mạng. Người đăng clip nấu cháo gà nguyên lông bị Sở Thông tin và truyền thông Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng hay người quay cảnh bắt một loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn về làm món ăn cũng bị phạt hành chính. Tuy nhiên, mức phạt về hành chính chưa đủ sức răn đe bởi mối lợi kiếm được từ các kênh Youtube này của những người đăng tải lớn hơn rất nhiều lần. Mỗi tháng họ có thể kiếm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền thu được này dựa trên lượng người xem, số lượng quảng cáo mà Youtube chèn vào video. Phải có lượng người xem nhiều nhất định thì mới được Youtube bật nút kiếm tiền và càng nhiều người xem thì số tiền càng tăng. Vì thế, nhiều người làm Youtube bất chấp các quy định, các giá trị văn hóa, đạo đức để làm những video câu view, thu hút sự tò mò của người xem.
Giới trẻ hiện nay đã coi làm Youtuber là một nghề thời thượng. Bởi vậy, việc quản lý nội dung các video này cần được tăng cường chặt chẽ hơn nữa. Để tạo sức răn đe, cần tăng mức xử phạt đối với các các video nhảm nhí, có nội dung phản cảm. Các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phê phán những video xấu, độc hại. Các bậc phụ huynh cần kiểm soát nội dung các video con em mình xem để tránh việc các em theo dõi những video nhảm nhí lan tràn trên mạng. Khi phát hiện những video như vậy, mỗi người sử dụng internet nên có ý thức báo cáo nội dung xấu, độc hại để Youtube xem xét gỡ bỏ; không nên vì tò mò mà vào xem hoặc chia sẻ link các video đó, góp phần tăng lượng theo dõi.
LAM ANH