Để nông dân có Tết

08/01/2022 14:42

Lần này, có lẽ chúng ta không gọi là giải cứu nữa, mà là chung tay gỡ khó cho nông dân và người kinh doanh bởi lý do ùn ứ có phần khách quan.


Hơn 1.000 xe chở nông sản nằm chờ tại bãi đất ở gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cuối năm 2021 

Chúng ta từng phải giải cứu nông sản. Điệp khúc đó được lặp lại ở nhiều nơi, nhiều thời điểm.

Có lúc dư luận cho rằng không thể giải cứu nông sản mãi. Đúng. Nhưng những ngày qua với hàng ngàn xe container chờ ở cửa khẩu, nhiều người đã nghĩ khác và đã hành động, phải làm gì đó để thị trường nội địa nóng lên, cho nông dân bớt khó, người buôn giảm thiệt hại...

Một lần nữa thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài lại đóng cửa với lý do chống dịch.

Những lời kêu gọi tiêu thụ nông sản đã cất lên. Nhiều cá nhân đã đứng ra kết nối, quảng bá để cùng giúp tiêu thụ nhanh nông sản. Nhiều nhà kinh doanh cũng sáng tạo, tìm cách nâng cao giá trị nông sản qua chế biến bằng các món bánh ngon, thức uống đặc sắc. Siêu thị bán nông sản nhiều hơn, như lúc này là thanh long. Với cá nhân, không chỉ mua dùng mà còn biếu tặng để tăng cầu tiêu thụ.

Biết rằng, cách sản xuất và tiêu thụ nông sản dựa vào thương mại biên mậu này có rất nhiều rủi ro, phải gấp rút thay đổi, nhưng chuyện đó tính sau, trước mắt, nếu có thể làm gì đó để giảm bớt khó cho bà con trồng và kinh doanh nông sản, hãy hành động ngay. Người tiêu dùng trong nước đang chung tay cùng kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ trái cây, giúp nông dân không mất Tết.

Cũng biết rằng sự chung tay này không thể khắc phục được hết thiệt hại, nhưng "đỡ được chút nào hay chút ấy". Chúng ta cùng chung tay gỡ khó cho bà con theo tinh thần chung tay hỗ trợ mùa dịch.

Ai cũng khó, nhưng mỗi người một tay, việc khó sẽ qua đi. Để rồi, khi nông sản không còn ứ đọng, ngày rộng tháng dài, bà con nông dân, doanh nhân, chính quyền hãy ngồi lại để bàn chuyện căn cơ hơn cho đầu ra của nông sản.

Phải nhìn nhận rằng chuyện tắc nghẽn nông sản lần này nghiêm trọng hơn, nếu không được giải quyết, nông dân thiệt hại rất lớn. Giá nhiều loại trái cây giảm mạnh trong khi thời gian qua giá phân bón tăng gấp đôi, thuốc trừ sâu tăng hơn 20%... Không xuất khẩu được là cú "đánh bồi" vào người nông dân sau hai năm bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Lối ra chính là không thể phụ thuộc mãi vào một thị trường, phải khai thác tối đa các hiệp định thương mại để mở thêm đầu ra cho nông sản.

Lối ra chính là người nông dân phải trở thành những "công nhân" trên đồng ruộng của mình. Là phải từ bỏ suy nghĩ làm hàng bán cho thị trường dễ tính. Phải coi mọi thị trường đều "khó tính" để làm ra sản phẩm mà ai cũng phải hài lòng.

Rồi doanh nghiệp phải ghé vai cùng nông dân khai phá thị trường mới, làm ăn theo hợp đồng, từ đầu vào đến đầu ra, tuân thủ kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Sự thay đổi đó có thể không thể diễn ra trong một vài vụ sản xuất tới, nhưng khi cách làm ăn này phổ biến, những người mà ngày hôm nay đang nỗ lực làm đủ cách để chung tay giúp tiêu thụ bớt nông sản tồn đọng cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Còn trước mắt, khi nông dân bán được nhiều trái cây hơn, đó cũng là cách chia sẻ để bà con có Tết, dù là trong khó khăn.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nông dân có Tết