Trong hơn 200 ngành đại học có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên, nhóm ngành sư phạm bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai với 64 ngành.
Lý do hàng đầu được nhiều trường chỉ ra là nhờ chính sách hỗ trợ phí sinh hoạt hằng tháng cho sinh viên sư phạm, bắt đầu được áp dụng từ lứa trúng tuyển năm nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn.
Thử nhìn lại vài năm trước sẽ thấy ngay sự đảo chiều này ngoạn mục thế nào. Năm 2017, một loạt trường sư phạm phải "vớt" thí sinh bằng đúng mức điểm sàn, thậm chí bậc cao đẳng lấy cả thí sinh có tổng 3 môn vỏn vẹn 9 - 10 điểm.
Trong tình cảnh ấy, một vị nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tỏ rõ sự đau lòng khi cho rằng đó là "dấu hiệu rất xấu cho sự phát triển giáo dục"!
Như thế, mức điểm chuẩn năm nay hẳn làm ấm lòng nhiều người quan tâm đến giáo dục. Nhưng sự hấp dẫn này sẽ kéo dài bao lâu? Đây không phải lần đầu ngành đào tạo giáo viên bỗng "cao giá" sau một giai đoạn trầm lắng.
Hơn 20 năm trước, nhờ chính sách miễn học phí, điểm chuẩn sư phạm cũng bứt phá mạnh. Người ta ví von đó là "thế hệ ba con chín" khi trong suốt 10 năm, điểm chuẩn vào trường đại học sư phạm đứng hàng rất cao.
Nhưng ngay sau đó, đào tạo sư phạm dư thừa, sinh viên ra trường chấp chới tìm việc, chính sách miễn học phí không còn đủ níu chân người giỏi chọn ngành sư phạm.
"Được nụ mừng nụ, được hoa mừng hoa". Mức điểm chuẩn tăng mạnh cho thấy nghề làm thầy đang được giới trẻ quan tâm. Nhưng đây mới chỉ là chính sách trước mắt. Ngành sư phạm cần thu hút những người giỏi vào học và ngành giáo dục cũng phải giữ lại được những người giỏi nhất ở lại làm thầy.
Nếu chí thú học hành mà ra trường vẫn bấp bênh xin việc thì làm sao người giỏi yên tâm gửi gắm tương lai? Về lâu dài, việc cần làm là phải trọng thị nhà giáo thật sự, không chỉ bằng lương mà còn bằng môi trường làm việc văn minh, dân chủ, đổi mới.
Bức tranh giáo dục lâu nay mà các thầy cô than phiền không phải chỉ cứ bị hứa mãi "phải sống được bằng lương" mà còn chính ở sự khát khao, chờ đợi mỏi mòn về một không khí dân chủ, phát huy người tài trong nhà trường.
Mức hỗ trợ sinh hoạt phí hơn 3,6 triệu đồng/tháng cùng với chế độ miễn học phí cho thấy sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho ngành sư phạm không phải nhỏ. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của một đất nước còn nghèo nhưng luôn đặt giáo dục lên vị trí "quốc sách hàng đầu".
Nhưng muốn "khuyến khích người giỏi vào làm nghề dạy học" như Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII đã đề ra từ năm 1993, cần những giải pháp tổng thể và lâu dài hơn thế.
Đó là quy hoạch từ đào tạo đến việc làm, rành mạch trong tuyển dụng, nâng cao thu nhập thông qua sử dụng hợp lý biên chế không để "phình" ra, là môi trường sư phạm văn minh, dân chủ, để sinh viên ra trường thực sự tự hào khi được tuyển dụng và lựa chọn để làm thầy...
"Lương sư, hưng quốc", một đất nước có hùng mạnh hay không, cứ nhìn vào đội ngũ nhà giáo sẽ rõ. Vấn đề vẫn là phải xây dựng chính sách và thực thi chính sách cho đồng bộ.
Nếu vượt qua được điểm nghẽn ấy, giáo dục Việt Nam sẽ phát triển xứng tầm mà điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao năm nay là tín hiệu ban đầu.
Theo Tuổi trẻ