Đề nghị không tinh giản biên chế giáo viên mầm non

31/12/2019 16:39

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non.


Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu

Tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách đối với các giáo viên đang diện hợp đồng; không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non… là ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 diễn ra sáng 31.12.

Thông tin về kết quả của ngành giáo dục-đào tạo năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết giáo dục mầm non tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ mầm non tăng hơn trước.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non, hiện nay, đang giao cho 14 tỉnh có dân số cơ học tăng và 5 tỉnh Tây Nguyên. Các tỉnh cần sử dụng số biên chế này đúng đối tượng.

Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo đề nghị các tỉnh ưu tiên, tăng cường tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách với các giáo viên đang diện hợp đồng mà Chính phủ đã hướng dẫn.

Hiện nay, cả nước thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non. Vì thế, lãnh đạo các địa phương quan tâm, tuyển dụng đủ số giáo viên này theo lộ trình, đặc biệt là trong số biên chế giáo viên giao cho các địa phương.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các địa phương có khu công nghiệp phát triển mạnh, tăng dân số cơ học, các thành phố lớn, số trẻ tăng nhanh dẫn đến không đủ cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, từ đó phụ huynh phải gửi con ở các cơ sở tự phát dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương quan tâm bố trí đủ đất để xây dựng các nhà trẻ tại các khu vực này.

"Đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế với giáo viên mầm non vì hiện tại đang rất thiếu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở tư thục độc lập, không đảm bảo dễ dẫn đến mất an toàn cho trẻ hoặc bạo hành trẻ," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà tiếp tục được giữ vững. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách về giáo dục cho các vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.

Giáo dục mũi nhọn tiếp tục có kết quả tốt. Năm 2019, tất cả các đoàn học sinh dự thi Olympic đều đạt giải cao. Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các địa phương đã tổ chức tốt, hiệu quả. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy trách nhiệm để cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt kỳ thi năm 2020.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian qua, bộ đã quan tâm giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên nhưng tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức chưa được khắc phục triệt để. Tháng 12.2019, bộ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Bộ trưởng mong muốn các địa phương quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ thị này.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, dạy thêm, học thêm, lạm thu, mất an toàn trong đưa đón học sinh… vẫn diễn ra. Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm chấn chỉnh các trường hợp không đảm bảo yêu cầu khi tham gia dịch vụ giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm, năm 2020, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên theo lộ trình. Từ đó, thúc đẩy quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Thay mặt ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đề nghị không tinh giản biên chế giáo viên mầm non