Quốc phòng toàn dân (QPTD) là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, đất nước đã phải chống chọi với nhiều kẻ thù xâm lược. Vì thế, dựng nước được cha ông ta gắn kết chặt chẽ với giữ nước và coi giữ nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Cũng xuất phát từ thực tiễn sự nghiệp giữ nước, cha ông ta đúc kết: Mọi của cải, mọi lực lượng dùng vào việc giữ nước đều ở trong dân, đều từ nơi dân. Trong thời đại Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng chung sức vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để đánh thắng hai đế quốc to, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta càng khẳng định chủ trương, đường lối QPTD của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, cần phải tiếp tục được củng cố, phát huy trong mọi thời đại.
Sự hiện hữu về sức mạnh của một nền QPTD chính là nhân lực, vật lực huy động được từ trong nhân dân để phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là tinh thần dám xả thân, hy sinh tính mạng, của cải vật chất của mỗi người dân; khả năng tập trung nguồn lực, sức mạnh của cả quốc gia để ứng phó khi có chiến tranh xảy ra. Do đó, tiềm lực quốc phòng, sức mạnh của nền QPTD không thể xây dựng trong ngày một ngày hai, mà nó phải được tiến hành bền bỉ, tích cực, chủ động qua nhiều năm tháng. Trong đó, điều cốt lõi nhất là xây dựng và duy trì tiềm lực chính trị, tinh thần cho nền QPTD, bởi đây chính là cơ sở để tạo ra lực lượng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Phải làm cho mỗi người dân Việt Nam luôn nhận thức rõ việc giữ nước, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy Quân đội nhân dân làm nòng cốt, từ đó xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, còn khá nhiều người dân và các tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp... coi việc bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ riêng của lực lượng vũ trang nên thiếu trách nhiệm trong xây dựng lực lượng, đóng góp sức người, sức của vào thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền còn coi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là việc riêng của cơ quan quân sự, hoặc có địa phương chỉ tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế mà chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Những thiếu sót ấy sẽ dẫn đến sự khuyết lệch trong xây dựng nền QPTD, làm ảnh hưởng đến khả năng huy động phục vụ quốc phòng.
Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và 28 năm Ngày hội QPTD, chúng ta cần cụ thể hóa tinh thần của Ngày hội QPTD thành những hành động cụ thể phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân cần tích cực thực hiện Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Nghị định của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ... Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị quân đội cũng cần nghiên cứu, tổ chức thật tốt các hoạt động về Ngày hội QPTD ở cơ sở, vừa nhằm tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, vừa góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền và các đơn vị quân đội với nhân dân, làm cho Ngày hội QPTD càng thêm ý nghĩa.
TRẦN VŨ