Ở Hải Dương, có gia đình xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng cũng có trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi, đòi hỏi các địa phương phải sâu sát hơn với đối tượng.
Gần đây, tại Hải Dương có chuyện lạ về một số gia đình tự xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, thôi không hưởng hỗ trợ vì thấy có nhiều người còn khó khăn, cần được hỗ trợ hơn. Có cá nhân gặp khó khăn, hoạn nạn, nhưng sau khi được hỗ trợ đủ số tiền để chữa bệnh cũng xin thôi không tiếp nhận hỗ trợ...
Nhưng có chuyện lạ hơn là, mới đây, tại một huyện trong tỉnh, qua kiểm tra chỉ 5 xã, đoàn kiểm tra đã kiến nghị hội đồng xác định mức độ khuyết tật của các xã xác định lại mức độ khuyết tật của một số người. Trong đó có người từ mức độ khuyết tật đặc biệt nặng còn là khuyết tật nặng; có người từ khuyết tật đặc biệt nặng sang không còn khuyết tật... Đoàn kiểm tra còn kiến nghị dừng trợ cấp cho 1 người khuyết tật vi phạm pháp luật, bị đi tù.
Chuyện nghe cứ sao sao, nhưng buồn thay lại có thật.
Thực tế, mức độ khuyết tật có thể giảm nhẹ, không còn khuyết tật do người khuyết tật được điều trị, phục hồi chức năng, chỉnh hình... Tuy nhiên, con số lên tới hơn trăm người ở vài xã giảm mức độ khuyết tật, không còn khuyết tật mà phải qua một đợt kiểm tra mới chỉ ra được đã cho thấy một phần hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về người khuyết tật. Đây cũng mới chỉ là con số được chỉ ra qua một đợt kiểm tra của một huyện.
Hằng tháng, việc cấp phát chế độ trợ cấp cho người khuyết tật do cán bộ lao động, thương binh, xã hội địa phương cấp phát trực tiếp cho người khuyết tật, hoặc thân nhân người khuyết tật. Con số người khuyết tật ở mỗi xã, phường, thị trấn không nhiều. Phải chăng ở đây có sự thiếu sát sao, chưa kịp thời nắm bắt, chưa hiểu rõ từng hoàn cảnh của người khuyết tật?
Bên cạnh đó, nhiều gia đình và người khuyết tật có lẽ đều nghĩ việc cải thiện mức độ khuyết tật là việc bình thường, đương nhiên và không liên quan đến việc họ được hưởng chế độ trợ cấp. Cộng với việc cán bộ địa phương, cán bộ chuyên môn không kịp thời nắm bắt, tham mưu nên mới có chuyện hàng trăm người được đề nghị giảm mức độ, hoặc không còn là người khuyết tật sau khi bị kiểm tra.
Thực tế có nhiều đối tượng đã trục lợi chính sách của Nhà nước, xã hội. Có nhà không còn nghèo nhưng vô tư nhận trợ cấp diện hộ nghèo. Năm 2019, qua thanh tra việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công tại các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kon Tum với trên 3.620 hồ sơ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát hiện 113 đối tượng hưởng không đúng quy định, phải đình chỉ chế độ, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng...
Trợ cấp xã hội, hỗ trợ người yếu thế là các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Nếu thực sự đúng người, đúng đối tượng, đúng thời điểm, nhiều chính sách là chiếc phao cứu sinh giúp người yếu thế, người khuyết tật... vươn lên.
Để tránh bị trục lợi chính sách, các địa phương, nhất là cán bộ cơ sở cần sâu sát các đối tượng hưởng chính sách để tham mưu, đề xuất kịp thời. Cần nắm sát dư luận xã hội, cộng đồng để phát hiện các thông tin mới về người hưởng chính sách. Việc duy trì cấp phát trực tiếp tiền hỗ trợ cho các đối tượng cũng là cách để cán bộ địa phương, ngành chức năng định kỳ tiếp xúc, quan sát, nắm lại hoàn cảnh, mức độ của người được hưởng chính sách.
LINH AN