Với một lĩnh vực đặc thù như giáo dục, việc bỏ "căn cứ" hộ khẩu khi nhận học sinh vào học liệu có dễ dàng? Việc quản lý theo hộ khẩu đã là nếp của nhiều cơ quan công quyền.
"Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cháu đến tuổi phải được đi học. Việc bố trí đi học thế nào cho thuận lợi nhất, không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường...", Bộ trưởng Công an Tô Lâm bày tỏ trăn trở khi việc lấy hộ khẩu để xác định nơi học đã gây nhiều khó khăn cho chuyện đi học gần nhà, "cha mẹ phải xin vào trường này, lớp kia".
Phải khẳng định suốt thời gian qua, ngành công an đã đẩy mạnh xây dựng dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh và căn cước công dân có gắn chip chính là hướng tới giải quyết triệt để tận gốc vấn đề này.
Dù còn những bất cập, khó khăn nhưng quyết tâm bỏ hộ khẩu giấy và hơn thế là bỏ bớt những thủ tục hành dân là nỗ lực đáng ghi nhận.
Với ngành giáo dục, việc coi hộ khẩu là cơ sở để tiếp nhận học sinh đến lớp đang làm khó nhiều bậc phụ huynh, nhất là khi cơ quan chức năng chủ trương không cấp mới hộ khẩu trong lộ trình bỏ hẳn hộ khẩu giấy vào cuối năm nay.
Việc thay đổi nơi cư trú do nhu cầu mưu sinh, di cư mà không kịp hoàn thiện hộ khẩu mới cũng đang ngăn trở con đường đến trường của không ít học sinh.
Cho nên dễ hiểu, phát biểu của Bộ trưởng Công an đã chạm đến nỗi niềm đồng cảm của các gia đình đang tìm trường cho con mà vẫn thấp thỏm lo "hộ khẩu" ngáng trở.
Thế nhưng, với một lĩnh vực đặc thù như giáo dục, việc bỏ "căn cứ" hộ khẩu khi nhận học sinh vào học liệu có dễ dàng? Không căn cứ vào hộ khẩu thì nhà trường căn cứ vào đâu để tiếp nhận học sinh?
Các trường có thương hiệu, trường chất lượng liệu có quá tải khi nhiều phụ huynh sẵn sàng "thuê nhà cho con ăn học", thậm chí mua nhà gần trường để có cớ cho con vào được trường tốt, trường phù hợp nhu cầu?
Việc quản lý theo hộ khẩu đã là nếp của nhiều cơ quan công quyền. Phải quyết liệt tấn công vào quan niệm đó, nhất là khi thời điểm bỏ hộ khẩu giấy đã tới gần.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục công lập, từ phòng ốc, trang thiết bị ở các nhà trường lâu nay đã được trang bị theo tỉ lệ dân cư, theo đơn vị hành chính xã phường...
Cho nên, phải có những căn cứ xác lập để nhận học sinh vào công lập, nếu không sẽ ùn ứ, quá tải, gây khó khăn cho các trường. Chưa kể, với chủ trương phân luồng hiện nay, ở nhiều thành phố lớn, có cấp học trường công lập chỉ đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu đi học.
Nếu các bậc phụ huynh chưa thay đổi được tâm lý "chọn trường", "chạy trường" thì áp lực đè nặng lên ngành giáo dục là rất lớn.
Sự sẻ chia, hướng về người dân, vì lợi ích người dân đang là động lực để các cơ quan có trách nhiệm đổi mới lộ trình và phương thức quản lý. Ngành giáo dục cũng đang trên lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, sát sao hơn với nỗi lo cơm áo, gạo tiền của gia đình người đi học.
Đổi mới không thể vội vàng, nhất là khi động chạm đến mấy chục triệu người đi học. Nhưng khi đã hướng sự quan tâm tới người dân, thực sự quan tâm đến trăn trở của người dân thì rồi sẽ có những giải pháp thiết thực, khả thi, đồng bộ để nâng cao chất lượng đời sống người dân, trong đó có chuyện làm sao để hộ khẩu không làm khó khát vọng đến trường của bất kỳ ai.
Theo Tuổi trẻ