Sự xuất hiện của ChatGPT là bước đột phá cực kỳ quan trọng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.
Dù còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn, nhưng nếu có cách tiếp cận đúng đắn thì ChatGPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.
Từ khai thác tiềm năng mới…
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người, do công ty OpenAI phát triển. ChatGPT sở hữu nhiều chức năng khác nhau, bao gồm trả lời câu hỏi, giải phương trình toán học, viết văn bản, bài luận, làm thơ, soạn nhạc, thiết kế, gỡ lỗi và sửa mã trong lập trình, dịch giữa các ngôn ngữ, tạo bản tóm tắt văn bản. Thậm chí có thể tạo ra các ý tưởng sơ khai về chiến lược kinh doanh hay lên kế hoạch cho một hoạt động cụ thể.
Công ty OpenAI đã ra mắt bản nâng cấp GPT-4, với hệ thống này, người dùng có thể nhập liệu bằng hình ảnh kèm câu lệnh và nhận được kết quả mong muốn. GPT-4 còn có thể linh hoạt xử lý giữa hình ảnh và văn bản trong cùng một câu lệnh.
Trong lĩnh vực giáo dục, ChatGPT giúp công việc của giáo viên, học sinh, sinh viên trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. ChatGPT giúp giáo viên giải phóng khỏi một số công việc, tập trung vào thay đổi cách thức dạy học từ truyền đạt nội dung là chủ yếu sang phát triển năng lực sáng tạo của người học và thúc đẩy học tập theo hướng cá thể hóa. Chẳng hạn, sử dụng ChatGPT để tạo tình huống trong giảng dạy hay giao bài tập cho học sinh.
ChatGPT giúp học sinh, sinh viên mạnh dạn hơn trong học tập, đưa ra các câu hỏi và tranh luận. Khi tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, học sinh thường e ngại, không dám hỏi hoặc rất ít hỏi, còn với ChatGPT người học có thể hỏi mọi câu hỏi. Điều này đồng nghĩa với ChatGPT đi đúng với bản chất của giáo dục hiện đại. Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm cũng như việc hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là cách thức để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học tập và phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ChatGPT còn bộc lộ nhiều hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng nó một cách vô trách nhiệm và thiếu đạo đức. Trước hết, độ chính xác không đồng đều về dữ kiện thực tế của ChatGPT, trong nhiều trường hợp nội dung hồi đáp bị sai lệch, bởi thông tin đưa ra dựa trên dữ liệu tổng hợp từ nguồn internet có thể không chính xác. Hơn nữa, kho dữ liệu hiện tại mà ChatGPT sử dụng chỉ mới được cập nhật đến năm 2021.
Chẳng hạn, liên quan tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ChatGPT trả lời: “Anh ta được biết đến như một trong những người tiên tiến trong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20... Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường”. Ðây có thể xem là một ví dụ điển hình cho thấy những lỗ hổng rất lớn của ChatGPT trong quá trình thu thập thông tin để trả lời câu hỏi của người dùng.
Với khả năng tạo ra các đoạn văn, bài thơ, bài tiểu luận khá mạch lạc chỉ trong thời gian ngắn, xuất hiện những lo ngại về nguy cơ phụ thuộc của người học vào ChatGPT, dẫn đến hạn chế về tư duy phản biện cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề. ChatGPT có thể “tiếp tay” cho việc gian lận học thuật và nguy cơ xói mòn trí tuệ người học. Một khảo sát đầu tháng 1/2023 với 1.000 sinh viên đại học do tạp chí trực tuyến Intelligent thực hiện cho thấy 30% đã sử dụng ChatGPT trong các bài tập viết. Đây là con số báo động về sự phụ thuộc của sinh viên với công cụ này.
Mặc dù cho đến nay, OpenAI đã có một số biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa mọi người yêu cầu ChatGPT tạo mã phần mềm độc hại, nhưng vẫn có kẽ hở khiến giáo viên, học sinh, sinh viên có thể bị mất cắp dữ liệu một cách nhanh chóng. ChatGPT tạo ra một phần mềm độc hại có thể đánh cắp dữ liệu người khác mà không bị phát hiện chỉ trong thời gian rất ngắn (vài giờ). Sau khi nắm giữ dữ liệu, nó có thể chia dữ liệu thành các phần nhỏ hơn và ẩn các phần đó trong các hình ảnh khác trên thiết bị. Những hình ảnh được tải lên thư mục Google Drive và rất khó bị phát hiện.
Giáo viên, học sinh, sinh viên, công chức hoạt động trong ngành giáo dục sử dụng ChatGPT, nếu không cảnh giác có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lan truyền tin sai sự thật. Vừa qua, một số đối tượng chống phá, thù địch đã và đang triệt để khai thác hạn chế của ChatGPT, đăng tải trên các diễn đàn, trang mạng xã hội hòng xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chống phá Ðảng, Nhà nước. Ðây là một thủ đoạn mới cần kịp thời nhận diện, ngăn chặn, góp phần bảo đảm sự lành mạnh trên môi trường mạng và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Đến thúc đẩy ứng dụng và tăng cường quản lý
Để ChatGPT phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, trở thành một công cụ hiệu quả trong giáo dục, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, công chức ngành giáo dục, học sinh, sinh viên về bản chất của ChatGPT, những lợi ích và những rủi ro từ ChatGPT cùng với sự phát triển của ChatGPT trong thời gian tới, làm cơ sở cho việc khai thác các lợi thế từ ứng dụng này trong dạy và học. ChatGPT sẽ dần được hoàn thiện, những tồn tại, hạn chế hiện tại có thể sớm được khắc phục.
Các cơ quan chức năng kịp thời nghiên cứu ban hành, sửa đổi hành lang pháp lý liên quan tới ứng dụng ChatGPT, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho sự phát triển ChatGPT, đồng thời hạn chế những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra. Chẳng hạn, ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ thông tin cho người dùng; các điều khoản cấm sử dụng ChatGPT một cách bất hợp pháp, hoặc cấm sử dụng ChatGPT trong giờ bài tập trên lớp, bài kiểm tra và các kì thi, nghiêm cấm sử dụng ChatGPT để đạo văn,…
Nghiên cứu đầu tư phát triển, ứng dụng ChatGPT giúp cho ngành Giáo dục có những bước phát triển mới, từ xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình giáo dục, cho tới vai trò người giáo viên, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của học sinh, sinh viên. Đặc biệt quan trọng là ứng dụng ChatGPT nhằm cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học.
Định hướng, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và tuân thủ quy tắc đạo đức. Hình thành kỹ năng sàng lọc, kiểm chứng thông tin, tư duy phản biện để lựa chọn thông tin một cách đúng đắn. Không nên tin tưởng một cách máy móc, vì ChatGPT có thể phản hồi ra thông tin không chính xác. Không lợi dụng ChatGPT để có những hành vi đạo văn, gian lận trong quá trình học tập, thi cử hoặc bị thông tin trên mạng xã hội có liên quan đến ChatGPT dẫn dắt, có những hành vi vi phạp pháp luật và đạo đức xã hội.
Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ChatGPT của các quốc gia trên thế giới, áp dụng trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta. Hiện tại, Liên minh Châu Âu (EU) tích cực chuẩn bị một bộ quy tắc về AI trong giáo dục. Bộ Giáo dục Singapore sẽ có hướng dẫn cho học sinh, sinh viên các kỹ năng sử dụng ChatGPT. Giới chức nhà trường ở Ấn Độ và Nam Phi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là phải hướng dẫn sinh viên về kỹ năng và đạo đức để sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm.
Theo VOV