Để bóng đá không “xây nhà từ nóc”

03/12/2019 08:20

Để xây dựng được bóng đá chuyên nghiệp thì cần phát triển bóng đá một cách toàn diện cả về bóng đá trường học, bóng đá phong trào, bóng đá thành tích cao.

Hải Dương có thể sắp có đội bóng đá chuyên nghiệp. Thông tin đó không khỏi khiến người yêu bóng đá tỉnh nhà phấn khởi bởi vì từ khi những cầu thủ quê Hải Dương tỏa sáng trong đội tuyển U23, tuyển quốc gia, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao tỉnh ta không thành lập đội bóng đá chuyên nghiệp của riêng mình.

Việc Tập đoàn An Phát Holdings đang xây dựng đề án thành lập một học viện bóng đá giống với mô hình của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - JMG là tín hiệu đáng mừng cho việc hình thành bóng đá chuyên nghiệp ở Hải Dương.

Tuy nhiên, để xây dựng, duy trì một đội bóng đá chuyên nghiệp không phải việc dễ dàng, không chỉ cần kinh phí đầu tư mà còn nhiều yếu tố khác.

Bài học từ việc xây dựng thành công các đội bóng nhi đồng, thiếu niên của tỉnh cũng như việc xây dựng các đội bóng chuyên nghiệp ở các địa phương khác cho thấy để "nuôi” được đội bóng cần những bước đi vững chắc, bài bản, kiến thiết từ nền móng chứ không thể “xây nhà từ nóc”.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có quy chế cấp phép các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có các tiêu chí về kỹ thuật để trở thành một đội bóng chuyên nghiệp, từ chất lượng mặt sân thi đấu, sân tập, hệ thống đào tạo trẻ, nguyên tắc về an toàn tài chính...

Để bảo đảm được các tiêu chí này cần sự đầu tư lớn về cả cơ sở vật chất và nhân lực. Cứ cho rằng các đơn vị đầu tư như Tập đoàn An Phát Holdings sẽ bảo đảm được các tiêu chí để thành lập được đội bóng chuyên nghiệp thì việc tạo nguồn cung cầu thủ và môi trường để phát triển bóng đá chuyên nghiệp nói chung vẫn cần sự vào cuộc tích cực của nhiều bên.

Bởi thực tế cho thấy có những đơn vị tài trợ bỏ tiền mua nguyên một đội bóng địa phương, đơn độc đầu tư kiểu xây nhà từ nóc mà không có sự hỗ trợ từ giải phong trào, bóng đá trường học ở địa phương thì đội bóng chuyên nghiệp đó không có nhiều tác dụng trong việc kích thích phong trào bóng đá phát triển, đồng thời cũng không tuyển chọn được nhiều cầu thủ giỏi từ địa phương.

Từ đó, thành tích của các đội này thường không cao và trồi sụt, phụ thuộc vào chất lượng các cầu thủ mà đơn vị tài trợ bỏ tiền ra chiêu mộ từ các đội khác.

Để xây dựng được bóng đá chuyên nghiệp thì cần phát triển bóng đá một cách toàn diện cả về bóng đá trường học, bóng đá phong trào, bóng đá thành tích cao.

Trong nhiều năm qua, Hải Dương đã đầu tư bài bản khá thành công bóng đá trường học với hai lứa U11 và U13. Tính từ năm 2007 tới nay, đội U11 Hải Dương đã 8 lần lọt vào chung kết, 5 lần vô địch Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc, còn đội U13 luôn nằm trong tốp 8 đội mạnh nhất.

Dù bóng đá phong trào của Hải Dương khá sôi động nhưng còn mang nặng tính tự phát. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển bóng đá ở các huyện, thành phố, thị xã và ở các xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chuyên môn kỹ thuật.

Nguồn nhân lực để phát triển bóng đá từ cấp xã đến huyện, tỉnh đều còn mỏng, số người có trình độ và năng lực về bóng đá còn hạn chế, chủ yếu làm bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt tình. Để lấp đầy những khoảng trống này thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của tỉnh, đồng thời kêu gọi sự đầu tư của các nhà tài trợ khác. 

Để có một đội bóng chuyên nghiệp và thi đấu thành công như mong mỏi của người hâm mộ, chúng ta cần có những bước chuẩn bị lâu dài và vững chắc. 

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để bóng đá không “xây nhà từ nóc”