Việc điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú không chỉ góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh.
Với số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao trên cả nước, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trở nên quá tải, nhiều địa phương đã triển khai phương án quản lý, điều trị tại nhà đối với những trường hợp bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đây được coi là giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả người nhiễm COVID-19. Việc điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú đang là mô hình điều trị phù hợp trong trạng thái bình thường mới, không chỉ góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh nhân F0 được chăm sóc, điều trị tại nhà phải đáp ứng một trong các tiêu chí như đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 hoặc tiêm 1 mũi đủ 14 ngày; là trẻ em trên 1 tuổi; người lớn dưới 50 tuổi không có bệnh nền; người không mang thai. Các F0 điều trị tại nhà phải có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân, có khả năng tự liên lạc với nhân viên y tế khi tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu…
Hiệu quả của việc quản lý, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà đã được kiểm chứng với cách làm của TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam qua việc giảm tải cho các bệnh viện điều trị, thu dung bệnh nhân nhiễm COVID-19, giảm ca bệnh nặng dẫn tới tử vong, hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng…
Nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ y tế cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà như tổ phản ứng nhanh, ATM oxy, taxi chuyển bệnh cấp cứu, tổ y tế lưu động, tiêm vaccine tại nhà, tư vấn COVID-19 trực tuyến... đã được TP Hồ Chí Minh triển khai trên khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Mỗi tổ phản ứng nhanh gồm có bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, lực lượng công an, đoàn thanh niên... Nhiệm vụ của tổ phản ứng nhanh là thực hiện tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý F0, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép thông tin về sức khỏe của người bệnh; phát cẩm nang hướng dẫn cách điều trị để bệnh nhân F0 chủ động xử lý trong thời gian chờ lực lượng chuyên môn.
Các bệnh nhân F0 không chỉ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà mà còn được cung cấp túi thuốc an sinh (gồm thuốc đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khỏe), tăng khả năng miễn dịch; đồng thời được hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng chống dịch COVID-19. Khi bệnh nhân F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, các tổ phản ứng nhanh kịp thời tiếp cận để hỗ trợ chăm sóc, chuyển viện.
Mô hình “tổ phản ứng nhanh”, “túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19” không chỉ hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bệnh nhân F0 điều trị, cách ly tại nhà, mà còn động viên tinh thần, giúp họ sớm khỏi bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện điều trị F0 tại nhà vẫn còn không ít bất cập. Dù đã hết sức nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhưng ở nhiều địa phương, lực lượng có chuyên môn theo dõi cách ly, điều trị cho người nhiễm COVID-19 tại nhà còn quá mỏng, nhân viên của các trạm y tế cơ sở cũng trong tình trạng quá tải, nguồn cung thuốc điều trị phục vụ người bệnh cũng có hạn... Vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ trong công tác hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc y tế cho bệnh nhân F0, khiến họ phải tự “xoay xở” và không yên tâm điều trị.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà chưa đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời giữa lực lượng phản ứng nhanh với bệnh viện, cơ sở tiếp nhận điều trị khi người bệnh có triệu chứng. Vẫn có trường hợp không liên hệ được với cơ sở y tế, hoặc chờ nhiều ngày mà vẫn không nhận được kết quả xét nghiệm, vì sợ lây bệnh cho người thân, sợ bệnh trở nặng nên bệnh nhân F0 đã tự đến cơ sở y tế…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố chiều 17.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết vẫn có những ý kiến phản ánh ở nhiều nơi, người nhiễm COVID-19 không được phát thuốc kháng virus, dẫn tới tình trạng họ phải nhờ vả, thậm chí tìm mọi cách để mua. “Điều quan trọng là phải bảo đảm một cách thực chất để tất cả người bị nhiễm đều được theo dõi, hỗ trợ y tế kịp thời. Đặc biệt, các giải pháp cách ly, điều trị tại nhà phải làm sao để người bệnh yên tâm, không hốt hoảng, không giấu bệnh", Phó Thủ tướng nói.
Với mục tiêu giảm tối đa số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong, thì cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần nỗ lực tăng cường vai trò của y tế cơ sở (đặc biệt là các tổ y tế lưu động), đầu tư thêm nguồn lực, nhân lực đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; đồng thời xây dựng các kênh kết nối để bệnh nhân F0 yên tâm cách ly tại nhà và được chuyển tới các cơ sở y tế kịp thời khi bệnh chuyển nặng.
Theo báo Tin tức