Dạy và học thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 3: Học sinh và giáo viên nói gì?

31/03/2022 06:00

Việc dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 ở một số trường cho thấy đây thực sự là những tiết học ý nghĩa, giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử của địa phương.

Học sinh lớp 3 hào hứng với tiết học thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương


Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) lớp 3. Giáo viên nhiệt tình giảng dạy, học sinh rất hào hứng tham gia. 

Tiết học sinh động

Để hoàn thiện tài liệu GDĐP lớp 3 trình UBND tỉnh xem xét thẩm định, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, từ ngày 17-30.3, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức dạy thực nghiệm tại một số trường tiểu học trong tỉnh.

Cô giáo Vũ Thị Thu Trang, Trường Tiểu học Thạch Khôi (TP Hải Dương) được chọn dạy chủ đề 3 về khu di tích Văn miếu Mao Điền đã chuẩn bị giáo án công phu, từ tìm hiểu thông tin lịch sử của khu di tích đến sưu tầm hình ảnh, video, danh nhân lịch sử... Hoạt động này được dạy trong 2 tiết, mỗi tiết khoảng 20 phút. Bắt đầu tiết học, cô Trang cho học sinh tham gia phần khởi động, xem hình ảnh, tìm hiểu thông tin về khu di tích. Phần luyện tập các em được hướng dẫn viết một đoạn văn ngắn khoảng 3-5 câu để giới thiệu về khu di tích, sau đó xây dựng kế hoạch để góp phần gìn giữ, bảo vệ khu di tích. Cuối cùng là vận dụng, từ những hình ảnh sưu tầm được, học sinh chia ra các nhóm để viết thông tin, dán hình ảnh, tô màu lên một tờ giấy giới thiệu về khu di tích.

Em Cao Nhã Uyên, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Thạch Khôi cho biết: "Chúng em rất thích môn học này vì được tìm hiểu về di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh".
Trường Tiểu học Tân Trường I (Cẩm Giàng) được chọn dạy chủ đề 6 về tổ chức chính trị-xã hội quê hương em. Cô giáo Phạm Thị Thu Hảo, Trường Tiểu học Tân Trường I cho biết: "Đây là chủ đề khó nhất của tài liệu GDĐP lớp 3. Với lứa tuổi của các em, để hiểu về các tổ chức chính trị-xã hội là điều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ cách giảng dạy để học sinh dễ hiểu nhất".

Để học chủ đề này, em Nguyễn Hải Đăng, lớp 3C, Trường Tiểu học Tân Trường I, đã sưu tầm ảnh các anh chị thanh niên dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ xã. Phần liên hệ thực tế em viết một đoạn văn ngắn nói về hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Chi hội Phụ nữ thôn. "Chúng em rất thích thú với môn học này vì được trải nghiệm nhiều hơn môn học khác. Qua môn học, chúng em biết về vai trò, ý nghĩa của các tổ chức chính trị-xã hội ở quê hương mình", em Đăng nói. 

Một tiết dạy thực nghiệm tại Trường Tiểu học Tân Trường I (Cẩm Giàng)



Tiếp tục hoàn thiện

Sau mỗi buổi dạy thực nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thảo luận tại trường để nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổng hợp ý kiến nhằm hoàn thiện tài liệu. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh giáo viên cần vận dụng linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, tài liệu chỉ là định hướng nên không nhất thiết phải cứng nhắc theo hướng dẫn. Tăng cường cho học sinh tương tác, nhất là rèn cho các em kỹ năng thuyết trình tự nhiên, hạn chế tối đa học thuộc lòng, khuôn mẫu.

Nhiều giáo viên cho rằng tài liệu hình thức bắt mắt, kết cấu, nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ông Trần Thọ Xương, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết tài liệu mới ở dạng bản thảo nhưng đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí. Điểm mới của tài liệu này là tính thời sự. Tuy nhiên, ông Xương cũng cho rằng một số hình ảnh của tài liệu chưa được sắc nét. Ban biên soạn nên phối hợp với những họa sĩ, nhiếp ảnh để có hình ảnh chất lượng và chọn lọc kỹ hơn.

Một số chuyên gia giáo dục khác cho rằng mỗi tiết học quy định khoảng 20 phút nhưng giáo viên có thể linh hoạt giảm bớt thời gian. Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng, nên lược bớt các câu từ trừu tượng, khó hiểu trong tài liệu.

Một số ý kiến khác cho hay với chủ đề 6 về Uỷ ban MTTQ tỉnh, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh đi thực tế, trải nghiệm tìm hiểu ở trụ sở xã. Ngoài ra, có giáo viên cho rằng cần có thêm phần giới thiệu về Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh vì đây là tổ chức gần gũi với các em nhất.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy thực nghiệm, việc tích hợp nội dung GDĐP vào môn học và hoạt động trải nghiệm cơ bản thuận lợi, dễ dàng, hợp lý, làm cho tiết dạy sinh động hơn. Qua đây các em hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương, thêm yêu quê hương. Đồng thời từng bước giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực bản thân đúng định hướng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương lớp 3 bắt đầu được biên soạn từ tháng 12.2021. Tài liệu dài 48 trang với 6 chủ đề: danh lam thắng cảnh quê hương em, đặc sản quê hương em, khu di tích Văn miếu Mao Điền, danh nhân Hải Dương xưa, món ăn truyền thống quê hương em, tổ chức chính trị-xã hội quê hương em. 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Dạy và học thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 3: Học sinh và giáo viên nói gì?