Giáo dục và đào tạo

Dạy nghề kiểu "trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường" ở Hải Dương

THANH NGA 30/09/2024 16:03

Đổi mới dạy nghề với mô hình "trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường" là cách để tỉnh Hải Dương phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư.

img_8587.jpg
Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương hiện liên kết đào tạo nghề với khoảng 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) luôn xác định đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, có tay nghề, kiến thức chuyên môn, thích ứng tốt với môi trường làm việc là mục tiêu xuyên suốt trong công tác đào tạo. Nhà trường đã tìm kiếm, kết nối với khoảng 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất trong các lĩnh vực liên quan đến các chuyên ngành của nhà trường để thực hiện liên kết giảng dạy.

Như vậy, thay vì thầy và trò cùng học tại xưởng của nhà trường, trường liên hệ doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện cho giảng viên và người học được tham gia học tập tại doanh nghiệp, trong đó có phần hỗ trợ của kỹ thuật viên doanh nghiệp. “Chủ trương của chúng tôi là nhà trường và doanh nghiệp gắn kết với nhau theo tinh thần trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường. Vì thế, hằng năm nhà trường xây dựng khoảng 70% chương trình học tập là các em thực hành. Trong số 70% thời lượng thực hành đó, các em lại có khoảng 30% thực hành trong doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả giáo viên dạy nghề hằng năm đều phải đến doanh nghiệp tham quan, trải nghiệm từ 4-6 tuần để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Quan điểm của chúng tôi là nhà trường trang bị kiến thức nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cho các kỹ năng thực tế và ý thức kỷ luật”, thầy Dương Xuân Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương cho biết.

Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương (phường Ái Quốc, TP Hải Dương) đang duy trì đào tạo 8 ngành nghề trình độ cao đẳng và 7 ngành nghề trình độ trung cấp. Trong quá trình đào tạo, trường thường xuyên đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy, gắn đào tạo với sản xuất dịch vụ, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Nhà trường đã liên kết với gần 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp nhận học sinh, sinh viên thực hành, thực tập, giúp các em tiếp cận thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường cũng liên kết với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện chương trình bồi dưỡng thực tế tại doanh nghiệp theo quy định, cung cấp thông tin về tuyển dụng lao động.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay 100% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hải Dương đã lựa chọn, đánh giá, cập nhật và công khai chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra theo quy định. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên rà soát, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại để phù hợp với thực tiễn. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã mời các doanh nghiệp, cá nhân, người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng, năng lực người học, qua đó giúp học sinh, sinh viên dễ tiếp cận quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh hằng năm đã thực hiện gắn kết với khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hình thức gắn kết chủ yếu gồm: doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào làm việc, tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tiếp nhận nhà giáo đến thực hành, tiếp nhận sinh viên vừa học vừa làm, phối hợp đào tạo và tuyển dụng lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp...

z5881262764417_5db45bce2f1485205b20e0b816b508ab.jpg
Gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên sau khi ra trường dễ xin được việc làm ổn định tại doanh nghiệp

Đáp ứng tốt việc làm sau khi ra trường

Việc gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang đến cho học sinh, sinh viên nguồn kiến thức sát thực tiễn, bảo đảm yêu cầu công việc mà còn giúp các em có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường. Hầu hết các trường trong quá trình gắn kết đào tạo với doanh nghiệp sẽ thực hiện cam kết tuyển dụng, tạo việc làm cho các em sau khi ra trường. Theo tổng hợp khảo sát của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay ở Hải Dương, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề ra trường có việc làm ngay rất cao. Nhiều nghề, mức lương khởi điểm của sinh viên sau tốt nghiệp từ 10-15 triệu đồng/tháng, cao hơn mặt bằng thu nhập bình quân hiện nay của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Với chương trình đào tạo bàn bản, đặc biệt là có gắn kết với doanh nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%. Theo thống kê của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương, những năm gần đây có 60% số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vòng 3 tháng có việc làm; tỷ lệ này tính sau 6 tháng là 95%. Cũng nhờ thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp trong giảng dạy nên đa số học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay, được các cơ sở sử dụng đánh giá tốt về trình độ chuyên môn cũng như khả năng thích ứng với thực tế.

Anh Phạm Công Đoàn vừa tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương cho biết nhờ được gắn kết đào tạo với doanh nghiệp mà anh đã được nhà trường giới thiệu vào làm ngay tại doanh nghiệp liên kết ở Hưng Yên. Do đã thực tập tại doanh nghiệp nên anh chỉ cần thử việc thêm một thời gian ngắn đã được nhận vào làm chính thức với mức thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Đình Huy, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết học sinh, sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương có kiến thức chuyên môn tương đối tốt và đặc biệt phần thực hành sau khi ra trường rất chuyên nghiệp về cả tay nghề lẫn tác phong, bắt kịp ngay khi mới vào công ty. Vào thử việc các em chỉ cần một thời gian rất ngắn để đào tạo lại là đáp ứng công việc. Hướng đào tạo của trường nghề gắn kết với doanh nghiệp cho thấy hiệu quả tương đối tốt.

Có thể thấy, việc liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang là hướng đổi mới khá hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 43%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong doanh nghiệp đạt 45% trở lên, tỷ lệ lao động phổ thông, giản đơn trong doanh nghiệp còn dưới 55%.

THANH NGA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy nghề kiểu "trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường" ở Hải Dương