Không nên lúc nào cũng "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", sợ con khổ, con thiệt mà vô hình trung biến con thành những "chú gà công nghiệp", nhất là trẻ em gái.
Bạn tôi có cô con gái đã học lớp 8 nhưng mới chỉ biết cắm nồi cơm, mà cơm cũng hôm thì khô quá, hôm lại nhão nhoét. Thực ra, ngay từ khi cháu còn học cấp một, nhiều người đã khuyên bạn tôi nên cho cháu làm quen dần với việc nữ công gia chánh nhưng bạn cứ lần lữa mãi vì lo con còn nhỏ, học nấu nướng không an toàn. Hơn nữa, bạn cho rằng đối với trẻ con, việc học là quan trọng nhất.
Không chỉ bạn tôi mà thực tế có rất nhiều gia đình hiện chỉ đề cao việc học hành của con. Họ đầu tư tiền của và dành thời gian tối đa cho con học. Ngoài thời gian đi học ở trường, các cháu còn phải đi học thêm các môn chính như toán, văn, ngoại ngữ… Thời gian dành cho việc học đã kín mít nên không còn mấy thời gian cho những việc khác. Để các cháu tập trung vào việc học nên nhiều gia đình không cho con đụng tay vào việc nhà. Nhiều người cho rằng chỉ cần học giỏi, sau này có nghề nghiệp ổn định, kiếm ra tiền thì mọi việc đều dễ dàng giải quyết được.
Đây cũng là lý do ngày càng nhiều cô gái khi mới bước chân về nhà chồng lúng túng khi phải trổ tài bếp núc. Có cô chuẩn bị lấy chồng mới vắt chân lên cổ tham gia các khóa đào tạo cấp tốc. Có cô thì lên mạng tải và làm theo các hướng dẫn dạy nấu, trình bày món ăn… Thuận lợi là, thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0 nên cái gì cũng sẵn trên internet. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là ra hàng nghìn kết quả, cả hướng dẫn bằng lời, hình ảnh đến các video. Từ cách làm những món đơn giản nhất như luộc rau giòn và xanh đến cách làm cả mâm cỗ. Nhưng có những kỹ năng không phải cứ xem, cứ nhìn là làm theo được ngay mà nhiều khi "trăm hay không bằng tay quen". Việc cho học sinh làm quen với các công việc trong gia đình phải tiến hành song song với việc học. Đây cũng là cách thực hành môn công nghệ mà học sinh được làm quen từ lớp 6. Trong lớp 6, các em đã được học những bài về cắm hoa, sắp xếp, trang trí nhà ở, giữ gìn nhà sạch sẽ, ngăn nắp; các phương pháp chế biến thực phẩm, giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, lên thực đơn; làm quen với bài toán thu chi trong gia đình… Đây là những kỹ năng sống thiết yếu đối với mỗi người. Nếu làm quen và thực hành tốt những kiến thức này, thì không chỉ có ích cho sau này, khi đã trưởng thành, có trách nhiệm tổ chức cuộc sống của gia đình mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã có thể tham gia giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà. Và chính những lúc các em tham gia làm việc nhà cũng có thể là những phút thư giãn, giải khuây, đỡ căng thẳng hơn là chăm chăm vào việc học. Thời gian các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc nhà cũng sẽ giúp gắn kết, cha mẹ, con cái có thời gian chuyện trò, hiểu nhau hơn.
Tùy theo từng cấp học, chương trình giáo dục đã xây dựng, trang bị cho học sinh các kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi. Trẻ lớp 5 tuổi đã được dạy cách gấp quần áo, chăn. Học sinh lớp 4, lớp 5 đã học cắt, khâu, thêu… Cha mẹ chỉ cần để ý phối hợp những kiến thức, kỹ năng con được học trên lớp, cho con cơ hội thực hành ở nhà là có thể hình thành nên những con người toàn diện. Không nên lúc nào cũng "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", sợ con khổ, con thiệt mà vô hình trung biến con thành những "chú gà công nghiệp", nhất là trẻ em gái. Bởi đúng là xã hội ngày càng bình đẳng, phụ nữ bây giờ chẳng kém cạnh gì đàn ông, nhưng dù ở thời đại nào thì vai trò "giữ lửa" trong gia đình của người phụ nữ vẫn không thể phủ nhận. Mà muốn hình thành nên những phụ nữ hai giỏi: "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thì phải rèn dạy ngay từ khi các cháu còn bé.
KIM THANH