Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã "an cư lạc nghiệp", ngày càng làm ăn phát đạt ở Hải Dương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hiện có 134 dự án của Hàn Quốc đầu tư tại Hải Dương với tổng số vốn hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về số dự án đầu tư. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH ATSK Vina (Hàn Quốc) lắp ráp linh kiện điện tử
Những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương.
Liên tục tăng vốn
Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết trong năm 2022, có 27 doanh nghiệp trong các KCN điều chỉnh tăng vốn đầu tư thì có đến 13 doanh nghiệp Hàn Quốc. Tổng vốn điều chỉnh tăng thêm của các doanh nghiệp Hàn Quốc là trên 174 triệu USD, chiếm khoảng 60% tổng số vốn điều chỉnh của các dự án trong KCN.
Năm 2022, Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên thành 400 triệu USD. Đây là dự án FDI tiêu biểu, có suất vốn đầu tư lớn nhất trên diện tích đất trong các KCN của tỉnh. Với lần tăng vốn này, Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao; đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Sau khi điều chỉnh tăng vốn đầu tư, dự án sẽ có quy mô sản xuất khoảng 160 triệu sản phẩm điện tử mỗi năm. Như vậy, tính từ năm 2009 - thời điểm Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam chính thức đầu tư tại Hải Dương với dự án sản xuất các bộ phận phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ với tổng vốn đầu tư là 65 triệu USD, doanh nghiệp này đã 11 lần tăng vốn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất.
Công ty TNHH LMS Vina của Hàn Quốc cũng là một trong những doanh nghiệp có dự án đăng ký điều chỉnh vốn tiêu biểu trong thời gian qua. Với vốn đầu tư ban đầu là 413,3 tỷ đồng, sau 3 lần điều chỉnh, doanh nghiệp này đã nâng tổng vốn đầu tư hiện tại của dự án lên hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nên đã đầu tư thêm 240 tỷ đồng để xây dựng 1 xưởng sản xuất với quy mô 30.000 tấn sản phẩm/năm, tăng 18.000 tấn sản phẩm/năm so với trước.
Công ty TNHH GG Hải Dương (Hàn Quốc) quyết định đầu tư tại cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện) với tổng vốn đầu tư 3,5triệu USD từ năm 2017. Sau 1 năm hoạt động ổn định, doanh nghiệp này tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 700.000 USD. Đến nay, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm quần áo ra thị trường nước ngoài, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động. Ông Cho Yong Soo, Tổng giám đốc Công ty TNHH GG Hải Dương cho biết: "Với vị trí địa lý thuận lợi, giao thông phát triển cùng nguồn lao động dồi dào, Hải Dương đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc. Tôi mong muốn Hải Dương tiếp tục có những chính sách, cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị, toàn diện của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc".
Mỗi năm Công ty TNHH GG Hải Dương (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm quần áo
Nhiều dự án nhất
Hải Dương hiện có 492 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9,2 tỷ USD. Trong đó có 134 dự án đầu tư của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về số dự án đầu tư và đứng thứ ba về tổng vốn đầu tư FDI tại Hải Dương. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện, điện tử, khuôn mẫu, dịch vụ logistics, may mặc... Hiện các doanh nghiệp này tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60.000 lao động với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, KCN Đại An đã thu hút được 97 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, trong đó dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm trên 37%. Đây là KCN có số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư nhiều nhất tỉnh. Đại diện Ban Quản lý KCN Đại An cho biết các dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung chủ yếu trong KCN tạo ra hệ sinh thái công nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc các doanh nghiệp lớn của quốc gia này tham gia đầu tư tại Hải Dương đã thu hút được một số dự án công nghiệp phụ trợ quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao từ các quốc gia, điển hình như: During, Pretell, Myongshin... góp phần hình thành ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc được đánh giá là những nhà đầu tư có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, thực hiện nghiêm túc và chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu cho ngân sách địa phương. Hiện chưa có số liệu tổng hợp năm 2022, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh đạt 900 triệu USD, chiếm 9,1% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 8,8% vào GRDP của Hải Dương.
Năm 2022 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (22.12.1992 - 22.12.2022). Cùng với mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước, các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng đã "an cư lạc nghiệp", ngày càng làm ăn phát đạt ở Việt Nam, trong đó có Hải Dương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
ĐỖ QUYẾT