"Đất ngọt”

10/10/2021 06:00

Nhiều người gọi nơi sản xuất rau, quả an toàn của HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) là vùng “đất ngọt”.


Nhờ được canh tác bền vững nên những vùng đất trồng cây vụ đông của nông dân thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn đang dần hồi sinh

Không phụ công người lo lắng sớm hôm, dành tâm huyết và tình yêu cho nông nghiệp, những thửa đất nơi đây đã nuôi dưỡng cho rau trái tốt tươi, đem lại sự no ấm cho nhà nông.

Hồi sinh

Chiều muộn, khi nắng thu nhạt dần, ông Nguyễn Văn Bắc ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) thong dong dẫn các cháu ra đồng Muông bắt châu chấu, hun dế. Con to, con nhỏ, các cháu cùng ông thích thú đếm rồi cười vang cả cánh đồng.

Ông Bắc bảo, vài năm trước đây để tìm được dế ở khu đồng này khó lắm vì chúng bỏ đất mà đi hết. Người dân quê tôi ngày ấy nổi tiếng khắp huyện về trồng cây vụ đông và nhất là cây dưa hấu, dưa lê vụ xuân hè. Những cánh đồng dưa trải dài tít tắp. Mỗi sớm, cả cánh đồng rộn ràng vì cánh thương lái đến thu mua. Vậy mà, chỉ một thời gian ngắn sau, dưa cứ trồng lại chết. Cây dưa lê, dưa hấu mới lan được khoảng nửa cánh tay không biết vì sao cứ héo dần rồi tàn lụi. Nông dân mất ăn mất ngủ, cán bộ ngành nông nghiệp lo lắng loay hoay tìm nguyên nhân. “Hóa ra tại tập quán canh tác của mình hết đấy. Nông dân thấy đất màu mỡ nên tận dụng gối vụ liên tục. Hệ số sử dụng đất ở đây cao hơn nhiều lần so với nơi khác. Phân hóa học rắc xuống, thuốc trừ cỏ lạm dụng phun dưới ruộng rồi lại trên bờ. Đất làm sao chịu nổi...”, ông Bắc nói.

Sau tiếng thở dài, ông Bắc giọng chắc nịch khẳng định, nhưng giờ thì khác rồi. Người dân tham gia HTX Tân Minh Đức được học lại cách canh tác, xây dựng quy trình sản xuất khoa học, gắn trồng trọt với ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nên làm nông nghiệp giờ đây vừa nhàn vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Bây giờ cả cánh đồng lại dạt dào sức sống. Nơi ngô, nơi rau, lúa tốt bời bời mà nông dân chả cần phải tốn nhiều tiền mua thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nữa. 

Nghe ông Bắc giới thiệu, chúng tôi tìm gặp Phó Giám đốc HTX Tân Minh Đức Hoàng Anh Thư. Làn da ngăm đen, rắn rỏi và nụ cười hiền hậu khiến chúng tôi dễ mở lời hơn. Ông Thư giới thiệu, HTX Tân Minh Đức được thành lập từ năm 2015 nhờ tâm huyết của người có nhiều duyên nợ với đồng đất quê hương là ông Phùng Thanh Mừng. Ông Thư cho biết, ông Mừng là người đã ươm mầm cho rau an toàn Phạm Trấn và đã góp phần hồi sinh mảnh đất này. Nghe ông Thư nói ông Mừng cười bảo: "Chỉ có những người từng thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" vì bệnh ung thư như tôi mới thấy thực phẩm sạch quan trọng như thế nào với sức khỏe con người. Với lối canh tác cũ thiếu bền vững, nông dân quê tôi khó có thể làm giàu. Vì thế tôi và các thành viên của HTX Tân Minh Đức theo đuổi ước mơ thay đổi vùng đất này".


Dưa lưới của các thành viên HTX Tân Minh Đức được trồng trong nhà màng và được canh tác theo hướng công nghệ cao, xanh, sạch

Vượt khó

Thay đổi suy nghĩ của người dân về sản xuất an toàn đã khó, để họ tin và làm theo còn khó hơn. Ban đầu khi mới thành lập HTX, không ít người nghi ngại vì việc trồng rau an toàn là cách làm mới. Thời điểm đó, mô hình trồng rau an toàn đã được triển khai ở một số nơi trong tỉnh nhưng đối với nông dân thôn Nam Cầu thì vẫn khá mới mẻ. Bao năm qua, dù là vùng trồng cây vụ đông lớn nhất nhì của xã Phạm Trấn nhưng nông dân ở đây vẫn quen với lối sản xuất cũ. Quyết tâm là làm được, vì thế thời điểm đó, Ban Chủ nhiệm HTX (nay là Ban Giám đốc) đi khắp nơi tìm hiểu những mô hình canh tác an toàn để về truyền lại cho bà con. Học thực tế chưa đủ, ông Mừng và một số thành viên còn lên mạng tìm hiểu sâu hơn để triển khai. Sau khi người dân đã tin và làm theo, điều ông Mừng cùng Ban Giám đốc HTX lo lắng nhất lại là đầu ra cho sản phẩm cũng như việc làm sao để rau an toàn đem lại lợi nhuận cao hơn so với trồng theo hướng truyền thống. Để xây dựng thương hiệu, ông Mừng nhiều lần cất công mang rau an toàn của HTX giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Thậm chí ông còn lên mạng tìm kiếm xem nơi nào có nhu cầu thu mua rau sạch là ngay lập tức liên hệ cung cấp. 

Đất không phụ công người, niềm tin của người dân với sản xuất an toàn dần tăng lên. Đến nay, HTX đã có 174 thành viên, canh tác trên diện tích 37 ha. Trong đó, HTX đã có gần 60.000 m2 nhà màng để trồng dưa lưới, dưa chuột và một số loại rau. Theo Giám đốc Phùng Thanh Mừng, diện tích nhà màng của HTX Tân Minh Đức giờ đây có thể lớn nhất, nhì tỉnh. Các thành viên của HTX thêm gắn bó với nghề nông và có thể làm giàu từ nghề này.

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển rau, nhất là dưa lưới, dưa chuột cung cấp cho hệ thống siêu thị Big C thường xuyên bị gián đoạn. Đó còn chưa kể, nhiều khách sạn, nhà hàng bị đóng cửa do dịch bệnh nên cũng tạm dừng thu mua nông sản của HTX. Nông dân nơi đây đã mạnh dạn học cách bán hàng online, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Dưa lưới, dưa chuột lần lượt được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác liên hệ đặt hàng. Dù dịch bệnh nhưng sản phẩm của HTX Tân Minh Đức vẫn tiêu thụ tốt ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam...

Anh Phùng Danh Viên, thành viên HTX Tân Minh Đức cho biết: “Trong cái khó lại ló cái khôn, chúng tôi đã đa dạng được kênh tiêu thụ. Đây cũng là bài học để nông dân có thể tiêu thụ nông sản thuận lợi mà không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Nhờ tiêu thụ thuận lợi nên mỗi sào dưa lưới nông dân có thể thu lãi từ 10-12 triệu đồng”.

Sản xuất xanh

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa làm hài lòng nhiều vị khách đã từng đến tìm hiểu để thu mua nông sản của HTX Tân Minh Đức. Thế nên trong vụ này, HTX đang triển khai mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn cao hơn VietGAP là GlobalGAP trên diện tích 10 ha để hướng tới mục tiêu đưa nông sản xuất ngoại. Muốn thành công phải học, thế nên dù lãnh đạo HTX đã xấp xỉ tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn mạnh dạn học cách canh tác mới. Ông Hoàng Anh Thư cho biết 2 năm trở lại đây, HTX đã hạn chế sử dụng phân hóa học mà chủ yếu dùng phân hữu cơ để chăm bón cây trồng. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX đã chọn một số loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho sức khỏe người dùng. “Tôi đã tìm ra một loại thuốc phòng trừ sâu bệnh được chiết xuất từ vỏ hạt điều bảo đảm an toàn khi dùng cho vùng sản xuất VietGAP và GlobalGAP. Loại thuốc này đã được dùng nhiều tại những vùng trồng rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Mộc Châu (Sơn La). Sau khi phun thuốc xong có thể ăn được ngay mà không sợ ngộ độc”, ông Thư nói. Theo ông Thư loại thuốc này cũng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người trồng rau gia vị ở Kim Thành, Kinh Môn sử dụng và đã kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn. Vì vậy, ông Thư tin nông sản của quê ông có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài thuốc bảo vệ thực vật, tìm loại phân bón tốt để vừa canh tác hiệu quả lại vừa giữ "tuổi thọ" cho đất cũng khiến ông Thư và ông Mừng trăn trở. Sau nhiều lần tìm hiểu, học hỏi, 2 ông đã tự sản xuất được loại phân vi sinh theo công nghệ Nhật Bản. Loại phân bón này không những giúp đất giữ được màu mỡ mà còn tạo ra một loại nấm đối kháng, hỗ trợ cây trồng chống lại một số bệnh gây hại.

"Hữu xạ tự nhiên hương", cách làm nông nghiệp hiện đại, an toàn, bền vững của HTX Tân Minh Đức đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến. Tổ chức Agriterra (Hà Lan) đang xúc tiến để liên kết với HTX xuất khẩu nông sản. Sân chơi rộng, điều kiện sản xuất khó khăn hơn trước nhưng ông Thư bảo các thành viên của HTX quyết tâm lắm. Ai cũng muốn nông sản của mình có giá trị và đem lại lợi nhuận cao hơn. Vì thế, nhiều thành viên đã sẵn sàng mở rộng diện tích nhà màng, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. 

Tương lai rộng mở nhưng ông Thư vẫn không khỏi băn khoăn vì để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch xuất khẩu đòi hỏi sự năng động của giới trẻ, nhưng hiện nay lực lượng này ở địa phương lại không mấy mặn mà với nghề. "Những người già như chúng tôi chỉ gieo được nhiệt huyết, truyền kinh nghiệm cho giới trẻ chứ khó có thể nhanh nhạy ứng dụng công nghệ vào sản xuất được. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng từng ngày để bà con làm nông nghiệp nhàn nhã, giàu có, từ đó có thể thu hút giới trẻ trở lại với nghề", ông Thư bày tỏ.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - người nhiều năm gắn bó với mô hình sản xuất an toàn của HTX Tân Minh Đức đánh giá: “Đây là mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nông nghiệp hiện đại. Do đó, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ HTX từ kỹ thuật cho đến tiêu thụ nông sản”. Còn theo ông Nguyễn Anh Thơ, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn, mô hình của HTX Tân Minh đã gieo niềm tin làm giàu từ nông nghiệp cho nhiều nông dân, giúp họ thêm gắn bó với đồng đất quê hương. Chính quyền địa phương cũng luôn tạo những điều kiện tốt nhất để HTX Tân Minh Đức mở rộng quy mô sản xuất sạch. “Nhờ sản xuất theo hướng an toàn bền vững mà nông dân Phạm Trấn đang dần hái quả ngọt từ chính đồng đất quê mình”, ông Thơ nói. 

Giám đốc HTX Tân Minh Đức Phùng Thanh Mừng thì khẳng định: “Canh tác theo hướng xanh sạch cũng là đem hạnh phúc đến cho con người. Thực phẩm sạch giúp nhiều gia đình có những bữa ăn an toàn, mạnh khỏe. Vì thế, sản xuất xanh, sống an lành là mục tiêu của chúng tôi".

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Đất ngọt”