Thời gian qua không ít lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về Hải Dương do dịch Covid-19 ở đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Có thể coi đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thu hút được lao động, nhất là lao động có tay nghề. Nhưng làm cách nào để giữ chân họ ở lại, ổn định làm ăn mà không coi quê hương chỉ là chỗ trú chân tạm thời, đợi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam yên dịch sẽ lại rời đi?
Hải Dương hiện có 11 khu công nghiệp, hơn 30 cụm công nghiệp cùng hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Không ít doanh nghiệp đã về các vùng nông thôn đặt nhà máy để thuận lợi cho người lao động làm việc gần nhà. Thế nhưng có một nghịch lý là không ít lao động của Hải Dương lại rời bỏ quê hương để vào các tỉnh, thành phố phía Nam lập nghiệp. Thực tế này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh không ít phen lao đao vì thiếu lao động. Có doanh nghiệp đã phải cất công lên tận các tỉnh miền núi phía Bắc tuyển lao động phổ thông, chấp nhận đào tạo, hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở cho họ. Bài toán lao động cho doanh nghiệp địa phương liệu có thể nhân cơ hội này được giải quyết hay không trước hết phụ thuộc vào các doanh nghiệp.
Người lao động trở về quê phải thấy được cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định. Chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất đã từng chia sẻ rằng không dễ để đào tạo một lao động lành nghề. Để họ thạo việc thì cần ít nhất một năm làm việc liên tục, còn để có tay nghề cao thì phải tới 10.000 giờ làm việc. Dịp này, doanh nghiệp đang tìm cách để thu hút lực lượng lao động hồi hương về làm việc, bởi phần lớn lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam đều đã qua đào tạo, có kinh nghiệm. Nắm bắt cơ hội, ngoài tích cực tìm đơn hàng, tạo việc làm ổn định thì doanh nghiệp còn cử cán bộ nhân sự quan tâm tìm hiểu chế độ làm việc của người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhờ cách làm này mà doanh nghiệp quyết định thay đổi thời gian làm việc linh hoạt bắt đầu từ 8 giờ thay vì 7 giờ như trước đây và dành hẳn một phòng làm không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho lao động, cải tạo khu nhà kho cũ để làm sân bóng đá... Anh cho rằng ngoài ổn định việc làm, thu nhập tốt thì chế độ phúc lợi và môi trường làm việc thân thiện cũng sẽ giúp thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về với doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Hải Dương đã từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để thực hiện mục tiêu kép. Do đó, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể “hồi sức”, phát triển sản xuất, kinh doanh lúc này rất cần thiết. Để làm được điều này, ngoài tái lập sản xuất thì tạo môi trường làm việc an toàn, yên tâm cho người lao động rất quan trọng. Các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn tiền thuế, lùi thời hạn đóng bảo hiểm cho lao động... Các thủ tục hành chính không cần thiết cũng cần được cắt giảm để doanh nghiệp dồn sức phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh.
Khi doanh nghiệp cố gắng ổn định sản xuất và xây dựng những chế độ phúc lợi thì không cần đi đâu xa để tìm lao động mà tự người lao động ở những nơi khác sẽ tìm về, bởi người xưa đã dạy “đất lành chim đậu”.
HẢI MINH