Thua thiệt với các thôn làng khác của Thái Bình vì xa xôi, cách trở bởi dòng sông Luộc nhưng đổi lại, người dân thôn Đại Đồng, xã An Khê và thôn Trại Vàng, xã Quỳnh Hoàng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhận được sự giúp đỡ chân tình của người dân Ninh Giang.
Gia đình ông Bùi Đình Trình ở thôn Trại Vàng, xã Quỳnh Hoàng phấn khởi thu hoạch sắn dây cho năng suất cao
Bị chia cắt với quê hương bởi dòng sông Luộc nhưng người dân hai thôn Đại Đồng, xã An Khê và Trại Vàng, xã Quỳnh Hoàng ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) lại được bù đắp bằng tấm chân tình nơi mảnh đất Ninh Giang.
Không "bán anh em xa"
Thôn Đại Đồng nằm nép mình bên con sông Luộc, cách biệt hẳn với những xóm làng khác trong xã qua dòng nước chảy lúc hiền hòa khi lại dữ dội. Bởi thế mà ai lớn lên ở đây đều tò mò về sự khác biệt này. Tuổi thơ của những đứa trẻ trong thôn được bắt đầu bằng câu chuyện về cội nguồn, gốc tích. Tương truyền, vào thế kỷ XIX, bên bờ sông Luộc còn hoang vu, xóm làng bây giờ chỉ là bãi sình lầy vắng bóng người. Người dân Ninh Giang thấy hẻo lánh nên không đoái hoài, bận tâm tới khu đất bãi phía mình. Thấy vậy, người An Khê mới chèo thuyền, bơi mủng sang khai hoang. Mới đầu chỉ là mỏm đất nhỏ, vài người sáng sang canh tác, tối lại về. Theo thời gian, sông Luộc gom góp phù sa bồi đắp, đất rộng hơn, có hộ dựng lều lán ở lại để trông coi, đỡ công đi lại. Về sau, cả người dân Ninh Giang cũng cùng khai thác, sử dụng bãi bồi này. Để tránh xảy ra tranh chấp đất, dân hai nơi nghĩ ra cách dùng tro và trấu xác định ranh giới. Lúc thủy triều lên, người dân sẽ rắc tro, trấu trên mặt nước đến khi nước rút, khu nào có tro trên mặt đất là của người dân An Khê, còn nơi nào có trấu thì thuộc về dân Ninh Giang. Thôn Đại Đồng cũng dần được hình thành từ đây. Đặc biệt và khác lạ.
Nếu như làng Đại Đồng bị ngăn sông do quá trình khai hoang tự nhiên thì thôn Trại Vàng lại chia cắt bởi điều kiện khách quan và ý chí chủ quan của con người. Ngày trước, sông Luộc chạy vòng, ôm trọn lấy thôn Trại Vàng, tách biệt với xã Hưng Long (Ninh Giang) song vẫn nằm biệt lập với các thôn khác trong xã Quỳnh Hoàng bằng dòng kênh nhỏ nước nông. Theo lời kể của các cao niên trong làng, năm 1946 trên sông Luộc xảy ra đắm tàu ở đoạn giao với dòng kênh. Để cứu tàu đắm, người dân đã đào rộng con kênh, đồng thời lấp dần lòng sông Luộc qua thôn. Vì thế mà sông đổi dòng, người dân Trại Vàng xa dần với những thôn xóm khác của xã Quỳnh Hoàng và dần gắn liền với đất Ninh Giang.
Do đặc thù về địa lý mà nhân dân hai thôn Đại Đồng, Trại Vàng có những thiệt thòi riêng. Đứng trên đê tả sông Luộc chỉ tay về phía bên kia, ông Phạm Văn Ý, Trưởng thôn Trại Vàng trầm ngâm: "Ở ngay trước mắt, nhìn thấy vậy thôi mà cách con sông đã cảm thấy xa xôi. Ngày trước, có công, có việc gì bà con đều phải qua đò ngang. Bình thường thì còn khắc phục được chứ vào mùa mưa bão thì nguy hiểm rình rập". Theo ông Ý, nếu như chưa sáp nhập thôn thì làng Trại Vàng to nhất xã Quỳnh Hoàng với hơn 400 ha đất tự nhiên. Dù lớn nhất nhưng lại bộn bề khó khăn vì bị sông Luộc chia cắt. Gần 50 năm, cầu nối duy nhất giữa người dân ở đây với làng xã là bến đò Đồng. Giao thông cách trở nên mọi hoạt động giao lưu từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế với xã cũng bất tiện, khó khăn. Từ khi cầu Hiệp được xây dựng vào năm 2012, việc đi lại thuận lợi hơn song người dân muốn sang xã phải đi đường vòng nên vẫn thấy cách trở.
Đường sá ở thôn Đại Đồng được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nơi đây
Thôn Đại Đồng chỉ vỏn vẹn 70ha, hiện tại người dân vẫn phải qua đò để sang trung tâm xã. Khác với làng Trại Vàng, cả dòng họ đều sinh sống ổn định trên mảnh đất của thôn, chỉ khác là địa giới thay đổi thì người dân ở thôn Đại Đồng phần nhiều là con thứ sang an cư, lạc nghiệp. Dòng họ, tổ tiên đều ở phía bên kia sông Luộc. "Chính bởi lý do này mà bà con trong thôn luôn hướng về gốc tích, nguồn cội cho dù bị ngăn cách. Hơn 130 năm nay, bến đò Chu vẫn chứng kiến nghĩa tình bền chặt của người dân Đại Đồng với quê hương bản quán. Chỉ cần nhắc tới "về làng" là cả người già, trẻ nhỏ đều thao thức, bồn chồn", ông Đỗ Thế Thông, Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng cho hay.
Vẫn "mua láng giềng gần"
Thua thiệt với các thôn làng khác của Thái Bình vì xa xôi, cách trở nhưng đổi lại, hai thôn Đại Đồng, Trại Vàng nhận được sự giúp đỡ chân tình, không toan tính của người dân Ninh Giang. Đến nay, vượt lên những khó khăn, trở ngại, hai thôn đã thay da, đổi thịt và trở thành minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa hai huyện Ninh Giang, Quỳnh Phụ và hai tỉnh Hải Dương, Thái Bình.
Em Nguyễn Thị Bích Ngọc ở xóm 1 thôn Đại Đồng, xã An Khê - học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Hiệp Lực (Ninh Giang) luôn có thành tích học tập tốt
Là thôn vùng xa, diện tích khiêm tốn và nằm ngoài đê, luôn phải nơm nớp khi mùa mưa bão đến nhưng người dân Đại Đồng lại có thu nhập đáng ngưỡng mộ. Khi Nhà nước mới phát động xây dựng mô hình "cánh đồng 50 triệu" vào những năm đầu thế kỷ XXI thì thôn đã có những cánh đồng trăm triệu. Tận dụng đất phù sa màu mỡ, nông dân Đại Đồng lại vốn chăm chỉ, chịu khó đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng màu ở các vùng chuyên canh của Hải Dương để dần vun trồng lên vùng đất bãi xanh mướt mắt. Người dân chỉ chuyên tâm làm kinh tế mà không phải lo lắng, bận tâm về chuyện học hành của con em. Tất cả trẻ ở thôn đều được huyện Ninh Giang tạo điều kiện cho theo học nếu gia đình có nguyện vọng. Thị trấn Ninh Giang và xã Hiệp Lực là những địa phương tiếp nhận con em Đại Đồng vào học. Đã hơn 30 năm trong nghề bụi phấn bám đầy tay, cô giáo Hà Thị Diệp, Trường Tiểu học Hiệp Lực từng dạy nhiều thế hệ học trò ở thôn Đại Đồng. “Người Đại Đồng chịu thương chịu khó lắm, nên các con cũng chăm ngoan học giỏi. Năm nào nhà trường cũng được đón hơn 30 học sinh từ làng bên sang học, cùng với các trò ở Hiệp Lực, quan tâm giúp đỡ các em học sinh ở Đại Đồng là niềm vui lớn nhất của chúng tôi”, cô giáo Diệp hồ hởi.
Không những vậy, huyện Ninh Giang còn sẵn sàng hỗ trợ về y tế cho người dân Đại Đồng. Cứ thế bao năm qua, dân Đại Đồng và Ninh Giang sống hoà thuận, không mâu thuẫn, tranh chấp. Mối quan hệ càng được thắt chặt khi trai gái hai bên tìm hiểu, kết nghĩa vợ chồng rồi sinh con đẻ cái. Ông Nguyễn Duy Trung, Trưởng thôn Đại Đồng bày tỏ: “Ngoài quản lý hành chính cũng như giải quyết giấy tờ thủ tục hành chính thì các hoạt động khác thôn đều nương nhờ xã bạn. Do ở xa nên xóm làng cũng được các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm nhưng nếu không có sự giúp đỡ tận tâm, tận lực bên phía Ninh Giang thì khó mà được như ngày hôm nay. Những đợt dịch Covid-19 vừa qua làm sản xuất ngưng trệ, rau màu trong thôn ê hề nhưng đã được chính người dân Ninh Giang và nhân dân Hải Dương chung tay hỗ trợ, giúp bà con Đại Đồng tiêu thụ”.
Đất Trại Vàng cũng đang hoá những mùa vàng bởi những mô hình kinh tế mới. Giáp đất Ninh Giang, người dân nơi đây cũng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm sản xuất. Khu đất bãi trước vốn lau sậy um tùm hoặc chỉ trồng tạm bợ vài loại rau màu phục vụ gia đình thì giờ đây phát triển nhiều cây hàng hoá mới. Ông Bùi Đình Trình phấn khởi cho biết: “Được người Ninh Giang mách và tìm hiểu thêm trên các phương tiện truyền thông, tôi tới thị xã Kinh Môn học cách trồng sắn dây. Mày mò học hỏi và vật lộn với từng tấc đất cũng được đền đáp xứng đáng. Tôi vừa trồng để bán sắn thương phẩm vừa sắm máy móc làm thành bột để thêm thu nhập. Ngoài trồng trên bãi ở thôn, tôi còn mang cây sắn dây sang bên kia sông Luộc, hướng dẫn các hộ thôn khác cùng trồng”.
Cách đối đãi chân tình của người Ninh Giang với dân hai thôn Đại Đồng, Trại Vàng khiến họ không cảm thấy lạc lõng khi phải cách biệt với quê hương. Trong câu chuyện của ông Bùi Đình Hào, 78 tuổi đã gắn bó cả đời với mảnh đất Trại Vàng chứa đầy ơn huệ với đất và người Ninh Giang. Người Trại Vàng và Đại Đồng luôn hướng về quê hương nhưng trân trọng những ân tình mà Ninh Giang dành cho. Trong kháng chiến, hai thôn đồng hành cùng quân và dân Ninh Giang chống lại kẻ thù. Khi hoà bình lập lại thì cùng nhau làm kinh tế, cùng nhau phát triển mà không có sự phân biệt. Với bên kia sông Luộc, đó là máu mủ ruột rà, còn ở bên này thì đong đầy ân nghĩa.
Nói về mối quan hệ với hai thôn của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang bày tỏ bao đời nay cả nhân dân và chính quyền địa phương luôn gắn bó keo sơn. Với trách nhiệm và tình cảm, cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến xã luôn quan tâm, giữ vững mối quan hệ khăng khít như thể tay chân giúp đỡ lẫn nhau trong giao thương, sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân hai địa phương Ninh Giang-Quỳnh Phụ.
CƯỜNG ÐẠT