Cơ quan công an vừa khởi tố vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Liên quan đến vụ án này, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vẫn chưa thu hồi được số tiền cho vay và lãi ở Công ty Cho thuê tài chính II khoảng 1.500 tỉ đồng. Nhân vật chính của vụ thất thoát này là ông Nguyễn Phước Tường, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính BHXH Việt Nam.
Bản chất quỹ BHXH là tiền tích lũy an sinh của người lao động. BHXH là cơ quan được thuê quản lý nhưng các khoản đầu tư, sự vận hành, thậm chí quyết định chính sách liên quan hầu như người lao động - đối tượng đóng và hưởng thụ - không mấy rõ ràng.
Những năm qua, chính sách BHXH có nhiều thay đổi và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Tiếng nói của người đóng chưa được xem trọng, trong khi không có thực quyền quyết định nên họ phải chấp nhận những chính sách áp đặt. Đây là điều phi lý và trái với cách vận hành quỹ BHXH thông thường như mọi quốc gia khác.
Muốn dập tắt nỗi lo vỡ quỹ thì phải tăng nguồn thu, siết chặt quản lý các khoản chi ngoài chính sách, chống thất thoát, triệt tiêu tình trạng trốn đóng và chiếm dụng BHXH của người lao động. Hơn 20 năm hình thành quỹ, các vấn đề trên hầu như chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
Đến nay, vẫn còn hàng ngàn đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH gần 10.000 tỉ đồng. Bao nhiêu cuộc đình công vì bị chiếm dụng BHXH, bao nhiêu cuộc thanh tra lao động, bao nhiêu hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp… nhưng nợ vẫn đầm đìa. 10.000 tỉ đồng - đó là mồ hôi, nước mắt đã phải đổ xuống trong công xưởng. Là thân phận của hàng vạn gia đình không biết phải bám víu vào đâu khi không còn sức lao động.
Nghịch lý là theo số liệu kiểm toán, năm 2015 tổng dự toán chi quản lý của BHXH Việt Nam là 5.397 tỉ đồng. Có lẽ ai đó suy nghĩ đây là "tiền chùa" nên mới có chuyện dự toán kinh phí quá lớn, xài không hết, đến cuối năm vẫn còn thừa đến 1.450 tỉ đồng! Ngoài những tỉnh, thành phố lớn, rất nhiều địa phương có lượng người lao động nhỏ nhưng vẫn luôn có bộ máy quản lý BHXH khá lớn từ cấp tỉnh đến từng huyện, hằng tháng vẫn "ngoạm" vào nguồn quỹ này. Xin thưa dù là tiền từ lãi đầu tư quỹ BHXH thì đó vẫn là tiền của người lao động, không ai được tùy tiện tiêu hoang.
Một nỗi lo khác lớn hơn là các khoản cho vay của nguồn quỹ BHXH. Theo số liệu kiểm toán năm 2015, ngoài khoản vay lớn nhất của ngân sách nhà nước, BHXH Việt Nam cho các ngân hàng vay 59.000 tỉ đồng, cho thủy điện Lai Châu vay 6.000 tỉ đồng… Về nguyên tắc sử dụng nguồn quỹ này thì cho vay phải an toàn nhưng đồng tiền chảy trong thị trường thì chẳng ai đoan chắc được điều gì. 1.500 tỉ đồng mất sạch khi đầu tư vào Công ty Cho thuê tài chính II là một minh chứng.
Đó mới chính là những lý do trực tiếp và đáng lo ngại nhất của vấn đề vỡ quỹ BHXH chứ không phải vì tỉ lệ lương hưu của Việt Nam quá cao hay tuổi nghỉ hưu quá sớm. Cho nên việc kéo dài thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc giảm lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018 vì lo sợ vỡ quỹ chỉ là một cách chống chế hay là thủ thuật để người ta tập trung vào mà quên đi những cái lớn hơn, nguy hiểm hơn đang đe dọa sự an toàn của quỹ BHXH.
DUY PHƯƠNG