Vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Báo Hải Dương đã phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh về vấn đề này.
- Thưa Thượng tọa, vì sao cần loại bỏ việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo?
- Tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc. Với quan niệm trần sao, âm vậy nên người sống thường đốt vàng mã để chăm lo cho người thân đã qua đời. Quan điểm của đạo Phật là hoàn toàn bác bỏ tục lệ này. Đức Phật Thích Ca từ khi thành đạo, suốt 49 năm thuyết pháp thông qua ba tạng (kinh-luật-luận) không hề dạy các đệ tử Phật xuất gia, tại gia phải dâng vàng mã cho Phật hoặc phải đốt biếu cho cha mẹ, người thân khi qua đời.
Theo giáo lý nhà Phật, nếu như cha mẹ, người thân của mình thực hiện 3 pháp quy (quy Phật, quy Pháp, quy Tăng) và giữ gìn 5 giới cấm (5 điều răn của đức Phật) một cách trọn vẹn thì khi mất đi người đó nhất định sẽ được tái sinh về cảnh giới của loài người để hưởng phúc báo. Nếu người thực hành theo giáo lý thập thiện thì hưởng quả tốt đẹp hơn. Người không tin nhân quả tội phúc, làm điều ác, phải sa đọa vào những cảnh ác báo, địa ngục ngã quỷ súc sinh, thì đốt cho ai và ai là người nhận?
Tuy nhiên, với giáo lý tùy duyên, tinh thần nhập thế hài hòa, việc đốt vàng mã tuy không được các nhà tu hành, cơ sở thờ tự Phật giáo ủng hộ song cũng không bị ngăn cản hoàn toàn và dần trở thành tập tục, nhất là trong tín ngưỡng dân gian. Ngày trước, việc đốt vàng mã không phô trương, lãng phí. Mỗi khi lên chùa, ngoài sắm sanh phẩm vật, hương hoa, người đi lễ thường mua thêm một chút tiền vàng, tiền đinh gọi là thành tâm đi lễ. Nhưng hiện nay hoạt động này đang bị lạm dụng thái quá ở một số cơ sở thờ tự Phật giáo gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Người đi lễ không phân biệt loại nào thì dùng ở chùa chiền nên mang cả các loại tiền vàng chỉ dùng đốt cho người quá cố đến đây làm lễ.
- Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ làm gì để thực hiện công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thưa Thượng tọa?
- Căn cứ vào nội dung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tới đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ tổ chức họp và có hướng dẫn cụ thể gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện: chùa, tổ đình... để thực hiện.
Về phía giáo hội cũng sẽ yêu cầu các tăng ni ngoài nghiêm túc triển khai cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các phật tử, nhân dân để họ hiểu và vận động người thân, gia đình, cộng đồng thực hiện.
Còn đối với các cơ sở thờ tự khác như đình, đền, miếu mạo, ngành văn hóa, chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích cũng nên giám sát, vận động người dân hạn chế đốt vàng mã khi đến chiêm bái, hành lễ. Hướng họ dùng tiền mua vàng mã để thực hiện các hoạt động mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp khác như tu bổ di tích lịch sử, văn hóa, các công trình phúc lợi…
- Xin cảm ơn Thượng tọa!
NGỌC HÙNG(thực hiện)