Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp nó còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí.
Hội nhà Báo Việt Nam phối hợp cùng Hội nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)
Việc giữ gìn đạo đức người làm báo thời nào cũng khó, mỗi thời kỳ có những khó khăn khác nhau. Dưới góc nhìn của mình, các chuyên gia không những quan tâm đến việc giữ gìn mà còn quan tâm đến việc làm thế nào đề phát huy đạo đức người làm báo.
Giữ vững đạo đức người làm báo cách mạng
Cùng tiến trình thực hiện đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng. Trong sự lớn mạnh đó, cũng còn nhiều tiêu cực xảy ra, sai lệch bản chất cách mạng của báo chí. Trong đó vấn đề đạo đức người làm báo luôn luôn được xã hội quan tâm.
Vấn đề này dù đã được đưa ra bàn thảo nhiều và cũng không ít văn bản của các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam được ban hành, nhưng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò của chúng trong hoạt động thực tiễn.
Khắc phục điều này, Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Luật bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Chỉ thị 120/CT-HNB về tổ chức học tập, thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Theo GS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày nay, rất nhiều yếu tố tác động đến việc giữ gìn, rèn luyện đạo đức người làm báo. Quy định về đạo đức nhà báo là cẩm nang để mỗi người làm báo dựa vào và tuân thủ. Việc rèn luyện đạo đức của người làm báo phụ thuộc trước hết vào ý thức của mỗi nhà báo. Ý thức quyền lực cần đi liền với ý thức trách nhiệm nặng nề của người làm báo. Nhà báo cần luôn biết "sợ" mỗi khi cầm bút. Đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, nỗi sợ để giúp nhà báo trả lời chính xác các câu hỏi luôn đặt ra cho mỗi người làm báo “Viết cho ai?” “Viết để làm gi?”
Với trách nhiệm công dân và nghĩa vụ của người làm báo, nhà báo cần thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Các nhà báo phải nỗ lực, không ngừng làm mới mình về tư duy, chỉ đạo, quản lý, tác nghiệp, đưa đến công chúng những thông tin, kiến giải chuẩn xác nhất, sinh động, hấp dẫn và đầy tinh thần trách nhiệm.
Là một trong những lãnh đạo trực tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng bên cạnh sự tự rèn luyện, tu dưỡng của nhà báo, hệ thống pháp luật cũng phải được hoàn thiện để xây dựng nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, của đất nước...
Mặt khác, cũng cần tăng cường hiệu lực quản lý, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để tiếng nói tích cực đủ sức mạnh đẩy lùi những cái ác, cái xấu.
Để giữ vững, phát huy đạo đức người làm báo cách mạng, Cục trưởng Cục Báo chí-Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc chỉ ra rằng cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Theo ông Phúc, để bảo đảm cho báo chí thực sự là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước, thể hiện tiếng nói của nhân dân, đòi hỏi những người làm báo phải vững vàng về lập trường, quan điểm, trong sáng về đạo đức, lối sống; sắc bén về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong suốt quá trình phát triển của sự nghiệp báo chí, Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Bởi vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, những người làm báo luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bám sát thực tiễn, không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội.
Chú trọng đào tạo về đạo đức báo chí
Trước những biến đổi của thời đại, môi trường báo mạng thay đổi nhanh chóng và khó có thể dự đoán. Ngày càng có nhiều công chúng, nhất là lớp trẻ lấy thông tin từ các website. Các bạn đọc trẻ này hoàn toàn bị các trang mạng điều khiển với nội dung thường được quyết định theo xu hướng vì mục đích lợi nhuận hơn là phục vụ dân trí. Vì thế, thách thức lớn nhất đối với công tác đào tạo nhà báo hiện nay là làm thế nào để giúp họ tăng cường các kỹ năng làm báo hiện đại; đồng thời nâng cao vai trò, đạo đức của người làm báo.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết trong việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa đến đào tạo về đạo đức báo chí cho phóng viên, coi đây là điểm nhấn trong các mô hình đào tạo thời gian tới. Điểm quan trọng không kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà báo là các hội thảo chuyên đề về đạo đức báo chí cần được tổ chức gắn với các khóa học kỹ năng, thông qua các cuộc thảo luận của học viên với các tình huống cụ thể.
Nói về vấn đề này, đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về chính trị, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ người làm báo cần được thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, hiệu quả. Ngay cả đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí cũng phải không ngừng học tập, rèn luyện để luôn vững vàng về chính trị, nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, để đảm trách vai trò “cầm cương cho tòa soạn” giữ vững vị trí, trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cao cả của cơ quan báo chí.
Cùng chung quan điểm đó, nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh cho biết thêm để xây dựng được đội ngũ làm báo cách mạng có bản lĩnh, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, công tác đào tạo phóng viên cần có sự đột phá về việc tuyển sinh, chương trình dạy và phương pháp; cần giáo dục sâu hơn về truyền thống, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lớp lớp các thế hệ nhà báo cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Các cơ quan báo chí cần đổi mới trong cách tuyển dụng, trong đào tạo, đào tạo lại, mạnh dạn đầu tư tuyển dụng những người đã qua hoạt động thực tiễn, có năng khiếu báo chí, được tôi luyện và thử thách để đào tạo lại nghề báo...
Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân Vũ Mạnh Hùng đưa ra hai giải pháp chủ yếu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo. Trong đó, bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, ngành chủ quản, các cấp Hội Nhà báo trong việc tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên, cũng cần thống nhất quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo.
Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc. Chính vì vậy, cùng với việc tích cực học tập, trau dồi đạo đức, mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
MỸ BÌNH (TTXVN)
Đón đọc Bài 5: Đề cao đạo đức nghề báo trong môi trường truyền thông số