Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư? Nói cách khác, nếu không còn ưu đãi về thuế thì Việt Nam sẽ có những gì để thu hút các doanh nghiệp FDI.
Tham dự các cuộc hội thảo kinh tế vĩ mô gần đây, câu hỏi lớn và rõ ràng nhất tôi nhận thấy là: Việt Nam làm thế nào giữ chân các nhà đầu tư lớn, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, được hơn 140 quốc gia đồng thuận, có hiệu lực từ 1.1.2024.
Thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT), được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất, nhằm thiết lập sự công bằng về thuế.
Đối với các nước phát triển, việc doanh nghiệp của mình đi đầu tư ở nước ngoài không chỉ làm giảm việc làm trong nước mà còn giảm các khoản thuế thu được. Các nước đang phát triển cũng không nhận được đầy đủ lợi ích thuế từ FDI do các chính sách ưu đãi giảm thuế nhằm thu hút đầu tư. Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm điều chỉnh những bất cập đó.
Mức thuế tối thiểu 15% áp dụng với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro (khoảng trên 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm liền kề gần nhất. Nghĩa là, nếu công ty đó đang đóng mức thuế, ví dụ 10%, ở nước mà họ đến đầu tư thì họ sẽ phải đóng mức còn thiếu là 5% ở nước đặt trụ sở chính.
Hiện mới chỉ EU và Hàn Quốc chính thức thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng có thể thấy đây sẽ là xu hướng khó đảo ngược khi nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực xem xét, điều chỉnh pháp luật của mình để áp dụng quy định này.
Tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%, tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi, doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, chênh lệch 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu. Có những doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian, hoặc chỉ phải đóng sau khi làm ăn có lãi.
Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam - có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp - đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có Samsung, LG, Intel, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn - những "đại bàng" FDI theo cách gọi phổ biến hiện nay. Số dự án trên chiếm chưa đến 1% so với hơn 36.000 dự án FDI còn hiệu lực, nhưng đóng góp khoảng 131,3 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tức là gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam.
Khía cạnh tích cực mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung là thu hẹp sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Chính sách thuế tối thiểu cũng sẽ cho Nhà nước một lý do chính đáng để tăng thu thuế với "đại bàng" FDI. Tất nhiên, hai bên sẽ phải thảo luận những ưu đãi khác để bù đắp cho "thiệt thòi" mà các doanh nghiệp này bỗng dưng phải chịu. Dù sao, đây vẫn là những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, mỗi quyết định đầu tư của họ đều có thể ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ trong chuỗi cung ứng.
Một vấn đề nhức đầu với các nước nhận đầu tư là câu chuyện chuyển giá. Đó là trường hợp doanh nghiệp FDI làm ăn có lãi ở Việt Nam, nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên liệu, vật tư, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá ngất ngưởng mà người xuất khẩu không ai khác chính là công ty mẹ ở nước ngoài. Do đó chi phí chảy từ công ty con về công ty mẹ, làm giảm lợi nhuận và khoản thuế phải đóng ở Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu có triệt tiêu hay hạn chế được chuyện này không vẫn còn là câu hỏi phía trước.
Điều đáng quan tâm hiện nay là một quyết định ảnh hưởng ở tầm toàn cầu như vậy lại có thời gian chuyển tiếp thực hiện rất ngắn. Dự kiến, chỉ còn 8 tháng nữa, nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng.
Trao đổi với tôi, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn Việt Nam sớm công bố ý định về việc có chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam cũng hy vọng nước chủ nhà cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư như nước này đã làm, ví dụ khấu trừ thuế với hoạt động R&D, khấu trừ thuế cho đầu tư mở rộng; hỗ trợ phúc lợi cho nhân viên, cơ sở sản xuất an toàn, công nghệ thế hệ mới...
Không phản ứng nhanh, Việt Nam sẽ mất đi khoản thuế không nhỏ lẽ ra có thể được hưởng. Nhưng để đáp ứng các yêu cầu về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần sửa đổi ít nhất ba luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng hàng loạt văn bản dưới luật. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh quy trình xây dựng và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta mất khá nhiều thời gian.
Trở lại với câu hỏi ban đầu: Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư? Nói cách khác, nếu không còn ưu đãi về thuế thì Việt Nam sẽ có những gì để thu hút các doanh nghiệp FDI.
Môi trường kinh doanh là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội; quy định pháp luật thông thoáng, minh bạch và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có những vướng mắc, nhưng cơ bản môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Yếu tố thứ hai là sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp hỗ trợ. Nỗ lực của Samsung để xây dựng trung tâm R&D và chuỗi doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam hay sự chuyển dịch các vendor lớn của Apple giúp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thay đổi. Ngành ôtô cũng có sự bứt phá của các nhà đầu tư trong nước như Thaco, Thành Công, VinFast. Nhưng các ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ... chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Logistics là yếu tố thứ ba. Không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không bận rộn của thế giới, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa. Logistics góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế. Đây là một điểm cộng để giữ chân và thu hút nhà đầu tư.
Tiếp theo là vấn đề nhân lực. Nhân lực giá rẻ vẫn cần, nhưng trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, nhân lực chất lượng cao lại cần thiết hơn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung. Quá trình hội nhập đã tạo ra một nguồn nhân lực có tính thích ứng với kinh doanh quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về tổng thể, đây là một ưu thế vừa phải.
Thứ năm, sự thích ứng với các yêu cầu của tương lai, mà trước hết là yêu cầu về chuỗi cung ứng xanh và thương mại bền vững. Việc Việt Nam có cam kết và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo sẽ là một điểm cộng nữa, nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn.
Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam thay đổi. Những nước xung quanh như Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh cũng đang vươn lên rất nhanh. Do vậy, việc tỉnh táo, đánh giá đúng vấn đề, gỡ kịp thời các vướng mắc là những giải pháp cần thiết lúc này để thích ứng với quy định mới về thuế tối thiểu toàn cầu, mà không gây biến động quá lớn đến môi trường đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu - nơi mà các doanh nghiệp FDI đang chiếm đến 70% tổng kim ngạch.
Theo TRẦN THANH HẢI - VnExpress