Theo quy định, tất cả các công trình công cộng phải bảo đảm cho người khuyết tật dễ tiếp cận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số nơi cố tình bỏ qua các hạng mục dành cho người khuyết tật hoặc có làm thì cũng theo kiểu đối phó.
Nhiều công trình trên địa bàn tỉnh chưa làm lối đi cho người khuyết tật
Bất tiện
Bị liệt hai chân từ nhỏ, hơn 70 năm qua ông Phạm Hữu Kỹ ở xã Tân Quang (Ninh Giang) thấu hiểu hết khó khăn của những người khuyết tật (NKT) khi tiếp cận một số công trình công cộng. Ông Kỹ lấy ví dụ có lần sang trụ sở UBND xã Đồng Tâm (Ninh Giang) làm việc đã gặp khó khăn vì ở đây không có lối đi riêng dành cho NKT mà các bậc tam cấp lại khá cao. “Tôi loay hoay mãi không biết làm cách nào vào được các phòng, ban của xã này làm việc, trong khi trời sắp mưa. Tôi phải đợi khá lâu mới nhờ được người dìu lên. Tôi thấy hiện nay các công trình công cộng ở một số địa phương khu vực nông thôn chưa để ý đến việc xây dựng các hạng mục dành riêng cho NKT. Như vậy rất thiệt thòi cho chúng tôi”, ông Kỹ nói.
Theo Luật NKT thì NKT được tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, tiếp cận công trình, phương tiện giao thông công cộng. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BXD nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng hoặc cải tạo các công trình xây dựng. Theo đó, công trình công cộng bao gồm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích đô thị khác phải có công trình phụ trợ để NKT dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Quy định đã có nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc. Chị N.T.M. ở xã Cổ Bì (Bình Giang) cho biết NKT luôn cố gắng tự lập để không trở thành gánh nặng cho xã hội nhưng lại không dễ dàng. Muốn đi xe buýt, chị M. phải nhờ sự trợ giúp của người khác khi lên xuống. Để lên được vỉa hè ở nhiều nơi không dễ do bậc khá cao và cũng không có chỗ lên dành riêng cho NKT. “Chẳng nói đâu xa, để có thể đưa xe lăn lên vỉa hè vào văn phòng làm việc của Hội NKT tỉnh, tôi phải loay hoay khá lâu. Thậm chí phải chờ có người đến nhờ đẩy giúp vì vỉa hè khá cao. Một số nơi làm việc của cơ quan nhà nước có trang bị thang máy nhưng để NKT đến được cửa thang máy cũng phải qua rất nhiều bậc. Điều này chẳng phải đánh đố những NKT như chúng tôi?”, chị M. nói.
Cần được quan tâm hơn
Theo chị Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh, việc triển khai xây dựng công trình cho NKT dễ tiếp cận còn gặp một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công công trình còn chưa cao. Đa số chỉ tập trung xây dựng phục vụ cho phần đông người dùng mà ít chú ý đến các hạng mục dành cho NKT. Các chủ đầu tư, đặc biệt đối với các công trình không sử dụng vốn nhà nước lại càng lơ là quy định này do tốn thêm chi phí thiết kế, vật liệu, biển báo, biển chỉ dẫn cho NKT. Công tác kiểm soát các công trình có hạng mục dành cho NKT từ khâu thiết kế đến xây dựng không được quan tâm đúng mức. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể song qua trải nghiệm và khảo sát sơ bộ, nhiều NKT phản ánh công trình phù hợp với NKT trên địa bàn tỉnh hiện nay còn ít.
Nhiều NKT vẫn có thể làm việc tự nuôi sống bản thân nhưng do một số rào cản đã hạn chế năng lực làm việc của họ, trong số đó có việc thiếu đầu tư các công trình hỗ trợ. Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về NKT nên bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn về tiếp cận cho NKT, bao gồm cả quy chuẩn về thiết kế, xây dựng các công trình. “Chúng tôi mong muốn các địa phương khi xây dựng công trình công cộng quan tâm nhiều hơn đến NKT để họ có thể vượt lên chính mình, không phụ thuộc vào người khác và cống hiến nhiều hơn cho xã hội”, chị Nha nói.
Những năm gần đây, khi thực hiện chỉnh trang đô thị, TP Hải Dương đã quan tâm đến NKT khi xây dựng các công trình công cộng. Vỉa hè một số tuyến đường, phố như Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Bạch Đằng... đã có thêm gạch dẫn hướng cho người khiếm thị. Một số trường học tại các phường Nhị Châu, Lê Thanh Nghị, Việt Hòa, Nguyễn Trãi và xã Quyết Thắng mới xây dựng đều có một số hạng mục dành riêng cho NKT. Tuy nhiên, đại diện Phòng Quản lý đô thị thành phố cũng thừa nhận không phải tất cả các công trình công cộng trên địa bàn đều dễ tiếp cận với NKT. Đa phần các công trình cũ, xây dựng từ lâu đều gây khó khăn nhất định cho NKT.
Tháng 9.2021, Hải Dương đã ban hành kế hoạch trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, đặt ra những mục tiêu cụ thể giúp người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2025, có 80% số công trình công cộng (gồm trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bệnh viện, cơ sở giáo dục, nhà chung cư…) bảo đảm các điều kiện tiếp cận với người khuyết tật. Giai đoạn 2025-2030 phấn đấu tỷ lệ này đạt 100%. |
HẢI MINH