Đằng sau vẻ đẹp đào rừng

25/01/2022 07:05

Cũng như mọi năm, bên cạnh những chậu bích đào, đào phai xuất xứ từ các vùng trồng hoa trong tỉnh, nhiều điểm còn bày bán cả những cành đào rừng rất to mang về từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2022, trên nhiều nẻo đường của TP Hải Dương đã rực rỡ sắc thắm của đào, hoa mai… 

Thú chơi hoa Tết, đặc biệt là chơi đào đã thay đổi nhiều theo thời gian. Còn nhớ cách đây hai ba chục năm, dịp Tết, mỗi nhà thường chỉ trưng một cành đào nho nhỏ cắm lọ. Dần dần khi đời sống khấm khá hơn, nhiều người chuyển sang chơi cây đào. Những chậu đào dường như cũng ngày càng to hơn, ban đầu chỉ là những chậu 1người bê, dần dà nhiều hộ, cơ quan, doanh nghiệp thường trưng những chậu đào to phải vài người khiêng. Hơn chục năm nay, nhiều người chuyển sang chơi đào rừng. Người ta thích thú khi giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa những phòng khách hiện đại xuất hiện những cành đào tự nhiên mang đầy hơi thở núi rừng, tựa như mang mùa xuân nơi biên cương về ngay phòng khách nhà mình vậy. Thế là cứ dịp cận Tết, những cành đào rừng lại theo xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau về phố. Ở TP Hải Dương, đi dạo chợ hoa xuân ở các đường Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Bạch Đằng… đều thấy những điểm bày bán đào rừng. Nhìn thì chỉ như những cành củi khô nhưng vào đúng những ngày Tết sẽ bung nở những nụ hoa chúm chím. 

Nhưng bên cạnh những cành đào miền núi chặt từ vườn nhà hoặc diện tích rừng do người dân các tỉnh miền núi nhận trồng khoán, còn có những người vào sâu trong rừng săn tìm những cành đào tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của "thượng đế" thích của độc. 

Chặt phá đào rừng là hành vi bị cấm theo điều243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, dịp Tết Tân Sửu 2021, khi còn là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”. Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã giải thích rõ hơn về chỉ đạo đó của Thủ tướng, là “cấm chặt đào trong rừng tự nhiên”. Có nghĩa là với những cây đào, cành đào người dân miền núi tự trồng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh trong chỉ đạo của Thủ tướng. Lúc đầu cũng có những ý kiến băn khoăn khi khó mà phân biệt đâu là đào rừng tự nhiên, đâu là đào do người dân các tỉnh miền núi trồng. Nhưng ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo, tỉnh Sơn La đã đi đầu triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào để tạo thuận lợi cho người trồng đào. Chỉ cần quét mã QR gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào… Do vậy người thích chơi đào rừng vẫn có thể thỏa mãn tình yêu vẻ đẹp núi rừng mà không tiếp tay cho hành vi tàn phá rừng.

Tại Hải Dương, những năm qua chủ yếu là mua bán đào rừng trồng trong vườn nhà, nương rẫy, rừng trồng khoán. Tuy nhiên, dạo qua các điểm bán đào rừng tại TP Hải Dương năm nay, bên cạnh những cành đào rừng có gắn tem truy xuất, vẫn còn những cành chưa gắn tem và được người bán quảng cáo là đào rừng tự nhiên. Người chơi đào rừng nên tìm hiểu kỹ thông tin, đừng nên tiếp tay cho hành vi tàn phá thiên nhiên.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằng sau vẻ đẹp đào rừng