Áo có khả năng đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vì nước này là một thành viên của EU nhưng không phải là một quốc gia NATO.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer mới đây đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Putin với một nhà lãnh đạo EU kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra.
"Áo tuân theo cách tiếp cận cân bằng hơn thậm chí so với Đức, thể hiện vai trò của một nhà hòa giải toàn cầu và mở ra một cơ hội đàm phán. Đây là lý do tại sao, mặc dù là thành viên EU, họ từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine", nhà khoa học chính trị, Phó Giáo sư Đại học Nhân văn quốc gia Nga Vadim Trukhachev nhận định.
Đồng quan điểm trên, Trưởng khoa Nghiên cứu Chính trị và Xã hội tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga về châu Âu Vladimir Schweitzer nhấn mạnh, Áo có khả năng đóng vai trò hòa giải tích cực vì đây là một quốc gia trung lập.
Theo ông Schweitzer, giới lãnh đạo Áo đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không thuộc bất kỳ bên nào và phản đối các nỗ lực giải quyết các vấn đề bằng biện pháp quân sự.
"Rõ ràng, Áo thực hiện một số chính sách nhất định do EU đề ra. Đối với EU, vai trò của Áo lúc này là rất quan trọng vì nếu nhà lãnh đạo của một quốc gia EU không phải là thành viên NATO đến thăm Nga, điều đó không làm phức tạp thêm tình hình", chuyên gia Schweitzer chia sẻ.
Ngoài ra, Áo cũng phản đối lệnh cấm vận dầu khí đối với Moskva. "Vienna phụ thuộc rất nhiều vào Nga về mặt năng lượng. Áo từng là nước ủng hộ lớn cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Và giờ đây, họ tiếp tục nhấn mạnh rằng mặc dù ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU, nhưng lợi ích quốc gia của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Những lợi ích đó đặc biệt bao gồm nguồn cung khí đốt từ Nga", ông Schweitzer kết luận.
Theo Báo Tin tức