Dân là chiến sĩ, nhà là pháo đài

03/08/2020 17:12

Khi COVID-19 xuất hiện tại bệnh viện ở Đà Nẵng, nó tấn công người dễ bị tổn thương nhất.

Họ đều là bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại viện với nhiều bệnh nền nghiêm trọng. Người mắc ung thư giai đoạn cuối, người bị suy tim, người đang chạy thận, người mắc tiểu đường… Chưa có COVID-19, sự sống của họ cũng đã mong manh.

Thông tin về bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tử vong vào ngày 31.7 cùng 6 ca tử vong vào các ngày sau đó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Dù các ca tử vong là “bất khả kháng”, theo lời Giáo sư Nguyễn Gia Bình (Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam) và đều được tiên lượng từ trước nhưng tin xấu này vẫn khiến nhiều người dân Việt Nam cảm thấy chùng xuống. Đã không có điều kỳ diệu nào xảy ra với sáu con người đó như đã xảy ra với bệnh nhân 91 là phi công người Anh.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết các bệnh nhân đều cao tuổi, mắc bệnh nặng, thường ngày đã phải phụ thuộc vào máy móc, mắc thêm COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly. Các bác sĩ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể giành giật sự sống cho họ từ tay tử thần. 

Bên dưới những bài viết trích dẫn lời Giáo sư Bình nói về nguyên nhân các ca tử vong trên các tờ báo điện tử, bạn đọc đa số đều chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn và động viên các bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Với những ca tử vong đầu tiên, Việt Nam bước vào thời kỳ cam go hơn trong đấu tranh với “giặc COVID-19”. Giai đoạn đầu tiên chúng ta đã thành công khi dập được các ổ dịch, không có ca tử vong, trải qua gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Giai đoạn đó, chúng ta cần sự chung sức của cả cộng đồng ở mức độ 1 thì trong giai đoạn mới cam go hơn, chúng ta cần cả cộng đồng cố gắng gấp mười lần, thậm chí gấp trăm lần.

Dù rằng cả ở Việt Nam và trên thế giới, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước COVID-19 là người già, người mắc bệnh sẵn, nhưng điều đó không có nghĩa là COVID-19 bỏ qua người trẻ tuổi, người khỏe mạnh. Điều đó cũng không có nghĩa là mọi người trẻ và khỏe mạnh mắc COVID-19 rồi sẽ tự khỏi. Điều đó cũng không có nghĩa là người trẻ và khỏe mạnh được phép chủ quan hơn những đối tượng dễ bị tổn thương. Bằng chứng là đã có làn sóng nhiễm bệnh trong giới trẻ ở nhiều nước như Pháp, Mỹ mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, cậy sức trẻ, vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không chịu hy sinh những thú vui tuổi trẻ để phòng dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ từng nhận định bên ngoài cộng đồng vẫn tiếp tục còn những ca lây nhiễm và chưa phát hiện được nguồn gốc lây từ đâu. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác và tập trung cao độ trong phòng chống COVID-19. Còn các cấp chính quyền từ cơ sở như tổ dân phố, chính quyền cấp thôn, xã, bản phải nâng cao kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ thị của Thủ tướng. 

Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh rằng khi số người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng lên nhanh chóng, ta không thể đương đầu nổi. Chính vì vậy, ý thức cá nhân trong thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh cần được, cần phải đề cao. Điều này đặc biệt quan trọng vì đợt dịch mới này ở Đà Nẵng là lây nhiễm trong cộng đồng, chưa tìm được nguồn lây.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là chỉ người dân Đà Nẵng hay Quảng Nam – nơi có thêm nhiều ca bệnh - mới cần cảnh giác, cần nâng cao ý thức chống dịch bệnh. Những tỉnh thành dù mới chỉ có vài ca mắc như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… hay những tỉnh thành chưa có ca mắc trong đợt dịch mới này cũng cần cảnh giác ở cấp độ tương đương.

Số người khắp cả nước, đặc biệt là người Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua là rất lớn. Hiện nay, số người này được kêu gọi khai báo y tế, đi xét nghiệm và tự cách ly tại nhà. Những việc cần phải làm, hoặc nói đúng hơn là bắt buộc phải làm đó lại chỉ trông chờ vào ý thức của mỗi người và sự giám sát lẫn nhau trong cộng đồng. Do đó, chỉ cần một người vừa đi du lịch Đà Nẵng về mà chủ quan, nếu chẳng may nhiễm virus, họ sẽ lây virus hoặc ít nhất là làm ảnh hưởng tới hàng trăm người mình từng tiếp xúc.

Ngoài ra, sau khi xác định chủng virus đang lây nhiễm cho các ca bệnh mới ở Việt Nam có nguồn gốc từ bên ngoài, chính quyền các cấp đã tăng cường kiểm soát, phát hiện, cách ly các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đây cũng là một việc khó khăn và cần sự chung sức của mọi người dân trong phát hiện, tố cáo hành vi phạm pháp.

Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà, thôn bản là một pháo đài chống dịch. Chiến sĩ phải đề cao cảnh giác, pháo đài cần vững chắc thì kẻ thù COVID-19 mới bị đẩy lùi. Câu nói của Thủ tướng chính là kim chỉ nam cho hành động của mọi người dân trong giai đoạn mới chống giặc COVID-19.

THÙY DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân là chiến sĩ, nhà là pháo đài