Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Với Mỹ, “lá bài Đài Loan” vẫn luôn được sử dụng như một chiến thuật hữu hiệu nhằm khống chế Bắc Kinh.
Cuối tuần trước, hai tàu khu trục USS Mustin và USS Benfold thuộc Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên chiến hạm Mỹ đi vào khu vực này kể từ thời điểm tháng 7.2017. Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng do chiến tranh thương mại, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Biển Đông. Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ trích hành động này của Mỹ và coi đây là hành động gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan.
Đài Loan rơi vào thế cô lập
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo rằng Đài Loan sẽ phải đối mặt với “sự trừng phạt của lịch sử” nếu chính quyền Đài Bắc tiếp tục duy trì quan điểm “đòi quyền độc lập”. Thêm vào đó, bằng các động thái đe dọa quân sự mà Bắc Kinh triển khai, căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan gia tăng nhanh chóng. Taheo giới quan sát, Bắc Kinh muốn ám chỉ về “chủ quyền không thể xâm phạm” đối với Đài Bắc và phô diễn sức mạnh quân sự nhằm chống lại bất kỳ hành động ly khai nào.
Về ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép lên các tổ chức quốc tế nhằm khiến Đài Loan rơi vào thế cô lập. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từ chối cho phép Đài Loan tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nào. Chính quyền Đài Bắc cũng bị gạt khỏi các thỏa thuận hàng không quốc tế cũng như không thể bước chân vào Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Không chỉ tạo sức ép về ngoại giao, chính quyền Tập Cận Bình còn tận dụng tối đa “quân bài kinh tế”. Sau khi nhậm chức hồi tháng 5.2016, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã từ chối bộ khung đàm phán của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu với Bắc Kinh. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thiết lập cơ chế hợp tác riêng với các đối tác truyền thống của Đài Loan, gồm Gambia, Panama, cộng hòa dân chủ Sao Tome và Principe. Với những hứa hẹn về các bản hợp đồng kinh tế có giá trị, Bắc Kinh đã khiến 3 quốc gia này lần lượt cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Chưa dừng lại ở đó, quốc gia Tây Phi Burkina Faso, một đồng minh thân thiết của Đài Loan, đã tuyên bố cắt đứt ngoại giao chỉ bốn tuần sau khi Cộng hòa Dominica đưa ra quyết định tương tự. Đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán nhằm duy trì quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Vatican, đồng minh cuối cùng của Đài Loan tại châu Âu, vẫn đang diễn ra. Một số nước khác đã yêu cầu Đài Loan di dời các văn phòng đại diện thương mại khỏi thủ đô những quốc gia này.
Không chỉ gây sức ép về các vấn đề đối ngoại của Đài Bắc, Trung Quốc còn tập trung giành ảnh hưởng đối với giới thương nhân Đài Loan, những người hiểu rõ một thực tế rằng đối tác thương mại lớn nhất của hòn đảo này chính là Trung Quốc. “Phần thưởng cho kẻ xứng đáng” là chiến lược riêng nhằm vào giới thương mại Đài Loan. Theo đó, các tập đoàn lớn của Trung Quốc sẽ đưa ra cơ hội hợp tác kèm theo những thương vụ đầu tư thuận lợi, đồng thời cam kết lâu dài với bất kỳ thương nhân Đài Loan nào ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”.
Cái cớ Mỹ can thiệp
Về phần mình, dù Mỹ không đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan song có trách nhiệm hỗ trợ hòn đảo này duy trì “khả năng tự vệ” do ràng buộc pháp lý. Và đó là “cái cớ” tốt nhất để Mỹ có thể tìm cách can thiệp vào vấn đề Đài Loan trước những động thái cô lập cứng rắn mà Bắc Kinh đã triển khai, đồng thời củng cố niềm tin của Đài Loan vào chính sách của Mỹ. Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Donald Trump đã cáo buộc Bắc Kinh đơn phương tìm cách thay đổi nguyên trạng eo biển Đài Loan, theo đó hủy hoại khuôn khổ đã được thiết lập nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển hàng thập kỷ qua tại khu vực này.
Đài Loan và thế kẹt giữa mối quan hệ Mỹ-Trung. Ảnh: Express.co.uk
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, tạo điều kiện trao đổi, đối thoại giữa các quan chức cấp cao Washington và Đài Bắc. Việc ban hành đạo luật này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh coi đây là hành động vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” và các điều khoản trong 3 Thông cáo chung Mỹ-Trung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982). Truyền thông Trung Quốc chỉ trích hành động của Mỹ là sự can thiệp trực tiếp vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc, đồng thời ám chỉ tới các nguy cơ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự hai bên.
Hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, trụ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã được đưa vào sử dụng. Điều dễ dàng có thể nhận thấy rằng dù Viện Mỹ tại Đài Loan không phải Đại sứ quán Mỹ một cách “danh chính ngôn thuận”, song trong bối cảnh các đồng minh truyền thống của Đài Bắc “đóng băng quan hệ ngoại giao” thì việc khánh thành trụ sở mới của Viện Mỹ là bước đi cải thiện đáng kể quan hệ Mỹ-Đài. Theo giới chuyên gia, đây không chỉ là một “biểu tượng Mỹ” tại Đài Loan mà còn là ám chỉ một thông điệp mà Washington muốn gửi đến Bắc Kinh.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, đồng thời khẳng định không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nếu cần thiết nhằm đưa chính quyền Đài Bắc “vào khuôn khổ”. Với Mỹ, “lá bài Đài Loan” vẫn luôn được sử dụng như một chiến thuật hữu hiệu nhằm khống chế Bắc Kinh, đặc biệt trong các vấn đề mà quan hệ Mỹ-Trung đóng vai trò then chốt như hạt nhân Triều Tiên, Biển Đông hay cuộc chiến tranh thương mại hiện hữu.
HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)