Trường Đại học Nha Trang sẽ bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Theo công bố sáng 12/12, trường Đại học Nha Trang sẽ xét tuyển kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực để tuyển sinh từ năm 2025.
Trong đó, trường lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong ba năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nha Trang, cho biết thí sinh có thể lựa chọn và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc một số kỳ thi đánh giá năng lực khác để lấy điểm thi này.
Danh mục môn học ở THPT và phạm vi đánh giá năng lực học tập đại học với từng ngành của Đại học Nha Trang từ năm 2025 như sau:
Theo ông Phương, phương thức xét tuyển kết hợp này sẽ thay thế cho hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay. Công thức tính điểm, tỷ trọng điểm các môn thành phần, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được trường công bố cụ thể vào năm 2025. Bên cạnh đó, trường vẫn giữ phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với phương thức tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Nha Trang, ông Phương cho biết trường dự kiến tuyển 3.700 sinh viên, giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét học bạ THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng.
Hồi cuối tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với hai môn bắt buộc là Toán và Văn, cùng hai môn tự chọn.
Đề Ngữ văn ra dưới dạng tự luận, Toán dạng trắc nghiệm, tương tự hiện nay. 9 môn tự chọn, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, cũng theo hình thức trắc nghiệm.
Phương án thi thay đổi do từ năm 2020, Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo hình thức cuốn chiếu. Năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình này sẽ tốt nghiệp. Để phù hợp với kỳ thi, phương thức xét tuyển đầu vào của các đại học dự kiến cũng phải thay đổi.
Mùa tuyển sinh đại học 2023, gần 60% trong tổng số hơn 610.000 thí sinh trúng tuyển bằng cách xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo VnExpress