Vừa qua, dư luận cả nước đau xót khi nghe tin 4 người trong gia đình anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi) ở xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chết trong tư thế treo cổ.
Cơ quan chức năng xác định anh Thành cùng người vợ đã tự tử và 2 con nhỏ (bé trai 6 tuổi, bé gái 4 tuổi) là nạn nhân khi bố mẹ quẫn bách vì nợ nần. Trong thư tuyệt mệnh, anh Thành cho biết vài năm gần đây cuộc sống bế tắc, vô nghĩa.
Tại Hải Dương, đầu tháng 10 vừa qua, ông Vũ Văn T. (sinh năm 1974) ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) đã chết do dùng dao tự cứa cổ. Trước đó, vào giữa tháng 7.2018, thai phụ Ngô Thị Thu T. (26 tuổi) ở xã Thất Hùng (Kinh Môn) tử vong do nhảy cầu Hiệp Thượng.
Những cái chết do tự tử xảy ra rất nhiều làm cho mọi người đau khổ, nhất là người thân của nạn nhân. Bố mẹ trẻ tự tử để lại con thơ bơ vơ. Ở nhiều gia đình, bố mẹ già lại phải tiễn đưa người con chết trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3.000 người chết do tự tử, cao hơn số người chết do chiến tranh và bị giết.
Người tự tử kết liễu cuộc đời mình bởi nhiều lý do như mắc bệnh trầm cảm, nợ nần, mâu thuẫn với mọi người, không có việc làm, cuộc sống túng quẫn, nạn nhân của bạo lực... Song đặc điểm chung là họ cảm thấy không còn lối thoát nào ngoài tìm đến cái chết.
Thực tế việc phòng ngừa tự tử hiện nay còn nhiều khó khăn. Nhiều người có ý định tự tử không muốn giãi bày nguyên nhân tìm đến cái chết cho người khác vì nghĩ rằng có chia sẻ thì người khác cũng không giúp được gì. Họ chỉ nói sự thật bằng thư tuyệt mệnh để lại sau khi sự việc đã rồi. Những cái chết do tự tử cũng cho thấy các nạn nhân chưa được người thân, bạn bè, cộng đồng trợ giúp kịp thời để vượt qua khó khăn. Theo WHO, nguyên nhân nhiều nhất dẫn tới người trẻ tử vong xuất phát từ những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước khác, ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được mọi người quan tâm đúng mức.
Một người bạn của tôi từng muốn tự tử do mâu thuẫn với chồng. Chị bỏ nhà đến một ngôi chùa. Tại đây, ni cô đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ với chị. Biết được ý muốn tự tử của chị, ni cô nhẹ nhàng khuyên bảo, chăm sóc, dần giải tỏa tâm lý uất ức của chị. Hiện nay, cuộc sống của chị đã ổn định. Qua trường hợp trên cho thấy nếu những người muốn tự tử được chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ kịp thời thì sẽ hạn chế bớt những cái chết đau lòng.
Người muốn tự tử thường có các biểu hiện tâm lý bất thường như lo lắng kéo dài, mất ngủ, trầm cảm, tự ti, ngại giao tiếp, cảm xúc tiêu cực... Mọi người, nhất là người thân, bạn bè, hàng xóm khi thấy người khác có những biểu hiện này cần kịp thời nắm bắt, tìm hiểu để san sẻ nỗi niềm, chia sẻ khó khăn và trợ giúp. Nhiều khi chỉ cần một lời động viên đúng lúc sẽ giúp xua tan ý nghĩ tiêu cực.
Ở nhiều nước phát triển có các tổ chức, nhóm từ thiện, đội ngũ bác sĩ tâm thần chuyên nắm bắt thông tin và giúp đỡ người muốn tự tử. Ngoài ra, các cơ quan liên quan còn thiết lập đường dây nóng, lắp camera ở các khu vực có nhiều người muốn tự tử, thành lập đội phản ứng nhanh... nhằm hỗ trợ cho người có ý muốn tự sát. Đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Anh đã bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế Jackie Doyle-Price kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Phòng chống tự sát, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Anh trong vấn đề phòng ngừa nạn tự tử.
Nhìn về Việt Nam, các cơ quan chức năng nước ta cần sớm có biện pháp cụ thể hơn nhằm cứu giúp những người có ý định tự kết liễu đời mình. Muốn ngăn ngừa hiệu quả nạn tự tử, cần có kế hoạch tổng thể ở cấp quốc gia để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch hành động. Công tác phòng ngừa nạn tự tử liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng. Vấn đề sức khỏe tâm thần cần được ngành y tế và người dân coi trọng hơn, từ đó có chính sách đầu tư thỏa đáng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.
NINH TUÂN