cover-hat-sua-tit-moi2.png

Anh Phạm Văn Hát - một nông dân ở Hải Dương mới học hết lớp 7 nhưng rất giỏi sáng chế các loại máy nông nghiệp đã vinh dự được vào sách giáo khoa, trở thành niềm cảm hứng và động lực cho thế hệ trẻ. Mới đây, anh nông dân này đã thành công chế tạo thiết bị cứu người gặp hoả hoạn sau nhiều năm dày công nghiên cứu.

tit1-copy(1).png
W_anh-ghep-hs-copy.jpg
Cô và trò Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương) hào hứng với tiết học "Phù thủy máy nông nghiệp"

“Phù thuỷ máy nông nghiệp” là tiêu đề bài đọc có trong sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1, trang 110 (thuộc bộ sách Cánh Diều) do Công ty Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh xuất bản. Ngay từ tên tiêu đề đã tạo nên sức hút đối với học sinh về một nông dân dù chỉ học hết lớp 7 nhưng lại rất tài giỏi - Phạm Văn Hát. Trong bài đọc có in hình ảnh anh Hát ngồi cạnh “Robot đặt hạt” kèm một số thông tin chính về nông dân này.

anh-ghep99.png
Anh Hát và “Robot đặt hạt” vinh dự được vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 tập 1 bộ Cánh Diều

“Cảm ơn nhà xuất bản. Thực sự cảm thấy rất bất ngờ và vinh dự. Tôi coi đây là một động lực lớn để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, anh Hát chia sẻ.

Trên Facebook cá nhân, anh Hát nhận được rất nhiều lời tán dương, khâm phục của người thân và bè bạn về niềm vinh dự này. “Tôi khâm phục trí tuệ và nghị lực của anh” - tài khoản Tính Nguyễn Đình viết. “Gương người lao động sáng tạo. Anh xứng đáng là một tấm gương sáng cho nhiều người học tập” - tài khoản Nguyễn Văn Tuyên bình luận…

Nhiều nhà quản lý giáo dục tại Hải Dương, trong đó có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt chưa rõ trong quá khứ đã có nông dân tỉnh Đông nào từng được đi vào sách giáo khoa hay chưa. Nhưng khẳng định ở thời kỳ này, anh Hát là nông dân đầu tiên ở Hải Dương và có thể là nông dân đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này.

td-co-muoi-copy.png

Sách trên đang được sử dụng để giảng dạy phổ biến trong các trường tiểu học tại Hải Dương. Chị Đoàn Thị Mười, giáo viên chủ nhiệm lớp 4C Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã dạy demo bài đọc “Phù thuỷ máy nông nghiệp” cho biết: "Đây là một bài học rất đặc biệt vì hiếm có nông dân quê Hải Dương được đi vào sách giáo khoa. Cả cô và trò đều rất hào hứng. Một số em còn nhận ra “bác Hát” khi cô giáo vừa đưa hình lên ti vi trên lớp dù chưa nghe giới thiệu nội dung bài học. Dạy và học bài về anh Hát giúp cả cô trò chúng tôi nhận ra rằng dù trong hoàn cảnh thế nào cũng cần kiên trì nỗ lực vượt lên khó khăn, nêu cao tinh thần tự học, sáng tạo thì sẽ có thành công và làm được những việc có ích cho quê hương, đất nước”.

tit2-copy.png

Anh Hát bắt đầu sáng chế các loại máy móc từ năm 2012. Bằng tài năng, đam mê, thông minh và nhạy bén của mình, 11 năm qua, anh đã chế tạo, cải tiến ra hơn 40 loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

W_anh-ghep-sp.jpg
Các sản phẩm do anh Hát sáng chế được khách hàng trong và ngoài nước tiếp nhận bởi có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí

Một đặc điểm chung của tất cả những sản phẩm do anh Hát chế tạo đều được ứng dụng cao trong thực tiễn, chi phí rẻ hơn nhiều so với các loại máy móc, thiết bị tương tự trên thị trường nhưng lại dễ sử dụng, hiệu quả tốt hơn. Điển hình là một số loại máy như: “Robot đặt hạt”, phun thuốc trừ sâu, xúc thóc, tiêm vaccine cho gia cầm, sấy hành tỏi, thái cá, thu hoạch rau mầm, trồng ngô đỗ lạc kết hợp chăm bón, thu hoạch… Rất nhiều khách hàng ở trong và ngoài nước đã không ngại đường xa tìm tới tận gia đình anh để xem và đặt hàng. “Phải chế được ra những thứ người dân cần chứ không phải bán đi những gì mình có. Quan trọng hơn là những sản phẩm ấy phải phù hợp với tất cả các vùng miền, điều kiện khác nhau, dễ sử dụng, giá rẻ nhất có thể. Đây là quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình làm việc của tôi từ khi bắt đầu hoạt động sáng chế cho tới nay”, anh Hát nói.

td-ong-hat-copy.png

“Robot đặt hạt” là sản phẩm nổi tiếng nhất của anh Hát. Thiết bị này ra đời sau khi anh nhận thấy người anh trai của mình phải mất rất nhiều tiền thuê nhân công gieo rau giống. Năm 2014, sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, anh Hát đã chế tạo thành công “Robot đặt hạt”. Gọi là robot nhưng chiếc máy này không hề sử dụng chip, rơ le hay máy nén khí mà chỉ có 1 mô tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ điện chỉ 200W. Sản phẩm này có thể thay thế cho 40 lao động thủ công cùng một thời gian làm việc. Điều này cũng giải thích vì sao mà “Robot gieo hạt” của anh hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có những đất nước có nền khoa học phát triển như Israel, Hàn Quốc, Nhật, Mĩ, Anh, Đức, Hà Lan. Có năm, anh Hát bán được hơn 200 sản phẩm.

W_z4688784927204_0a7c30632cb7846247f9b102e41311ad.jpg
W_z4688784910991_c39a562d2001c19eb7070f81dd32cd74-1-.jpg
Một số máy nông nghiệp do anh Hát sáng chế đã có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới

Ông Vũ Đình Sế ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) là khách hàng đầu tiên mua “Robot đặt hạt” do anh Hát sáng chế về phục vụ sản xuất cây rau giống trên diện tích 1,2 mẫu. 10 năm qua, chiếc máy này vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả. “Chỉ mất 15 phút là robot gieo xong hạt cho một luống rau dài 30 m, không phải tốn tiền thuê nhiều nhân công. Trước kia, bình thường nếu làm thủ công thì một người phải mất 1 ngày mới gieo xong 1 luống. Gieo bằng robot giúp cây rau lên đều, khoẻ, ít sâu bệnh”, ông Sế cho hay.

td-ong-se1.png

Anh Hát khoe vừa chế tạo thành công “Robot đặt hạt trên khay” trên cơ sở nâng cấp phiên bản “Robot đặt hạt” thế hệ cũ đã lưu 10 năm nay. Đặc điểm của robot này là hoạt động hoàn toàn bằng cơ học trong khi các loại máy đang lưu hành tại thị trường trong nước và trên thế giới phải sử dụng nguồn điện 6.000W, gần 20 con chip, rơ le và máy nén khí. Kết quả thử nghiệm cho thấy “Robot đặt hạt trên khay” mới chỉ mất 6 giây để gieo xong số hạt giống trên một khay có 84 lỗ, trong khi các loại máy trên thị trường phải mất 12-15 giây. Điều quan trọng là giá bán robot gieo hạt mới do anh sáng chế rẻ hơn nhiều so với sản phẩm hiện có trên thị trường, vận hành dễ dàng và có độ chính xác cao hơn trong khi hoạt động. Anh Hát đang đợi cấp bản quyền để công bố sản phẩm mới này.

W_z4688779880370_f619b287246890b668f27986adcb5d62.jpg
W_z4688779712227_9b7f0d90334e3775e69ad48ea9b679d0.jpg
Cận cảnh "Robot đặt hạt" do anh Hát sáng chế hoạt động trên cánh đồng Gia Lộc (Hải Dương)

Tuy nhiên, điều khiến anh Hát tâm đắc nhất là vừa chế tạo thành công “Thiết bị cứu hộ người gặp hoả hoạn” ở các toà nhà cao tầng sau 5 năm ròng rã theo đuổi. Vì lý do độc quyền nên anh Hát chưa thể cung cấp thêm thông tin về sản phẩm nhưng tiết lộ đây là thiết bị “3 không”, không cần dùng điện, không cần người vận hành, không cần bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, rất dễ sử dụng, an toàn mà giá lại rẻ. Khi một toà nhà chung cư cao tầng không may gặp hoả hoạn, tất cả người dân, kể cả gười già yếu vẫn dễ dàng thoát nạn. Anh Hát cùng cộng sự đã thử nghiệm 10 lần thiết bị này và đều thành công. Một tập đoàn lớn nhiều lần cử người gặp gỡ, muốn mua lại bản quyền nhưng anh Hát chưa bán. Anh muốn nghiên cứu, cải tiến thêm để khi áp dụng vào thực tế sẽ bảo đảm tính khả thi cao. “Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh nhiều người dân vô tội, không ít chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị giặc lửa cướp đi sinh mạng. Bây giờ tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, các toà chung cư, nhà cao tầng mọc lên san sát, hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy nên tôi rất kỳ vọng sáng chế này sẽ giúp ích được cho cộng đồng”, anh Hát tâm sự.

tit3-copy.png
tit3-copy.png
380d60f9-486b-4a78-a431-791707811bfd.jpeg
Anh Hát đã, đang và sẽ tiếp tục là "cố vấn" trong các chương trình nghiên cứu khóa học, các cuộc thi khoa học - kỹ thuật của ngành giáo dục huyện Tứ Kỳ

Là người có tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên dễ hiểu vì sao trong những năm gần đây nhiều đoàn giảng viên, sinh viên các trường đại học hàng đầu Việt Nam tìm đến anh Hát để nhờ chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm trong nghiên cứu các sản phẩm khoa học liên quan đến máy móc, công nghệ. Dù bận rộn nhưng anh Hát sẵn sàng chia sẻ kiến thức mình có, bởi quan điểm của anh là "Nếu cho đi mà tốt cho xã hội thì không việc gì phải suy tính".

W_z4688787491646_116328c4fe1f5f4accead9c96d05477a.jpg
Dù rất bận nhưng anh Hát luôn đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong các hoạt động nghiên cứu và các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật

Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ Nguyễn Công Quang cho biết những năm gần đây, anh Hát thường xuyên nhận lời tham gia nói chuyện tại các buổi tập huấn hướng dẫn giáo viên, học sinh nghiên cứu khoa học và thực hiện các sản phẩm khoa học kỹ thuật. Anh tích cực hỗ trợ ngành giáo dục trong hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM cho học sinh tại xưởng sản xuất. Anh Hát là người có những ảnh hưởng tới học sinh trong việc hình thành ý tưởng, nghiên cứu các dự án và sản phẩm tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ của anh mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ liên tục có những sản phẩm đạt giải cao cấp tỉnh, năm học 2022-2023 được UBND tỉnh tặng bằng khen. “Anh Hát là tấm gương tiêu biểu, người truyền động lực, cảm hứng say mê sáng tạo, vượt khó, ý chí quyết tâm chinh phục mục tiêu tới các thế hệ học sinh”, anh Quang nhấn mạnh.

td-ong-quang-copy(1).png
box1-copy.png
box22-copy.png

Nội dung: TIẾN MẠNH

Trình bày, đồ họa: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Phù thủy" sáng chế máy nông nghiệp và thiết bị cứu người gặp hỏa hoạn