Thấy ông Ngà xem ti vi xong ngồi bần thần, bà Hằng hỏi:
- Ông làm sao vậy?
- Truyền hình vừa đưa lại hình ảnh vụ lái xe taxi đâm vào hai người đi xe máy, anh ta xuống xe tận mắt nhìn người bị nạn nằm co giật mà vẫn đành lòng bỏ lên xe đi thẳng. Thật là vô lương tâm!
- À, thì ra là vụ đó. Mấy hôm nay chúng tôi đi tập dưỡng sinh cũng thấy các cụ bàn tán suốt. Bình thường người đi đường mà gặp tai nạn cũng phải có trách nhiệm xuống cứu giúp, chứ không thể thấy chết mà không cứu. Đằng này anh kia chính là người gây ra tai nạn mà lại hành xử như vậy, thật là...
- Vụ này đáng lên án không phải chỉ một mình anh lái xe taxi. Nghe nói, sau khi anh ta bỏ đi còn gần hai chục chiếc xe máy và mấy ô tô đi qua nhưng cũng đều bơ đi, không ai chịu xuống giúp người bị nạn - anh Hàn, con trai ông Ngà góp chuyện.
- Thực ra nếu là con, con cũng sợ lắm. Mỗi lần nhìn thấy tai nạn máu me đều sợ run như cầy sấy, chả dám đến gần, còn nói gì đến cứu giúp người ta. Mà có khi cấp cứu không đúng cách còn làm hại họ ấy chứ - chị Lanh vợ anh Hàn nói.
- Em mà không cứu giúp người ta có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự đấy nhé.
- Thế có quy định cụ thể nếu không giúp người bị nạn thì bị phạt như thế nào không?
- Trường hợp này được quy định trong Bộ luật Hình sự rồi bố ạ. Những người gặp tai nạn mà cố tình bỏ đi, khi cơ quan công an xác định được danh tính sẽ bị truy tố. Có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm - anh Hàn mở điện thoại tra xong liền giơ cho ông Ngà xem.
- Phạt tù cơ à? Bố tưởng cùng lắm chỉ cảnh cáo thôi. Pháp luật đã quy định thế thì sao họ lại không cứu giúp nhỉ, vừa là trách nhiệm, vừa là vấn đề đạo đức cơ mà.
- Nhiều người không biết đến quy định này. Có người biết nhưng lại ngại phiền phức. Không ít trường hợp đưa giúp người bị tai nạn đến bệnh viện xong còn bị người nhà nạn nhân xông vào đánh vì hiểu lầm người giúp là người gây tai nạn. Hoặc không thì cũng mất rất nhiều thời gian làm việc với công an để cung cấp lời khai. Vì thế, có những người gặp tai nạn bèn tìm cách tránh đi cho đỡ phiền, họ cho rằng không có mình thì sẽ có người khác giúp.
- Dù có sợ phiền phức thì ít nhất cũng phải dừng lại xem nạn nhân thế nào, rồi gọi thêm những người xung quanh cùng đưa người bị nạn vào bệnh viện, hoặc gọi cấp cứu 115, gọi cho công an... Thiếu gì cách đâu. Làm người thì phải có lương tâm, trách nhiệm chứ ai cũng thờ ơ vô cảm với những người xung quanh thì thật là buồn - ông Ngà thở dài.
KIM THANH