Chính trị

Cựu chiến binh tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ

HẠNH DUYÊN 06/12/2023 6:00

Trong những năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh Hải Dương đã có nhiều hoạt động tham gia giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

z4918946599126_d32abab0983f1d500b470083e9a4680f.jpg
Các em học sinh Trường THCS Thanh Quang (Nam Sách) tham gia giao lưu trả lời những câu hỏi có nội dung liên quan đến sự ra đời, truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và được nhận những phần quà ý nghĩa từ các cựu chiến binh

Đổi mới cách giáo dục

Là những người trực tiếp chiến đấu, cống hiến sức trẻ, xương máu cho nền độc lập, tự do của đất nước nên các cựu chiến binh chính là những người nhận thức sâu sắc nhất về giá trị độc lập, tự do, hòa bình. Trở về với cuộc sống đời thường, hội viên các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tham gia giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Sáng 27/11, 350 học sinh Trường THCS Thanh Quang (Nam Sách) có mặt tại trường sớm hơn thường lệ để sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị cho buổi nói chuyện truyền thống của các hội viên cựu chiến binh xã Thanh Quang.

Tại buổi nói chuyện này, các em học sinh được nghe đồng chí Lê Huy Du, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) chia sẻ về sự ra đời, truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những trận chiến đấu ác liệt, sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trước buổi nói chuyện truyền thống, các em học sinh tham gia giao lưu trả lời những câu hỏi có nội dung liên quan đến sự ra đời, truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và được nhận những phần quà ý nghĩa từ các cựu chiến binh.

Đồng chí Lưu Minh Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách cho biết để làm tốt việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các cấp hội trong huyện đều chú trọng biên soạn tài liệu tuyên truyền; phối hợp các nhà trường xây dựng kịch bản, đề ra nội dung giao lưu phù hợp; mời các cựu chiến binh đã trải qua chiến đấu và công tác trong quân đội lâu năm để nói chuyện.

z4918946584056_4a30101cc8bae1f02552daef86a82bca.jpg
Học sinh Trường THCS Thanh Quang (Nam Sách) nghe cựu chiến binh nói chuyện

Mời nhân chứng lịch sử nói chuyện, phối hợp Ban Chỉ huy quân sự huyện, các nhà trường xây dựng các tiểu phẩm kể chuyện về anh hùng, tái hiện một số trận đánh tiêu biểu của quân đội và quê hương… là cách Hội Cựu chiến binh huyện Gia Lộc cũng đang áp dụng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Mấy năm qua, chúng tôi đều mời 2 đồng chí Nguyễn Văn Tập và Vũ Đăng Toàn là những người đã từng có mặt trên xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập đến nói chuyện với học sinh trong huyện nhân ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam 6/12, ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Họ là những nhân chứng lịch sử, đã trải qua các trận đánh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt nên có khả năng giúp các cháu hiểu rõ về lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật”, đồng chí Đoàn Quang Thuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Gia Lộc cho biết.

Những năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh cũng tích cực phối hợp Đoàn Thanh niên, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tổ chức nói chuyện, giáo dục truyền thống yêu nước cho những thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, giúp họ thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Hiệu quả thiết thực

z4928776018993_a0317f3ec0bb4cd06b2944aa7ecd583f.jpg
Hội Cựu chiến binh huyện Gia Lộc phối hợp xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học sinh

Việc đổi mới phương thức giáo dục truyền thống của các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

“Qua những câu chuyện chiến trường năm xưa mà bác Du kể, chúng em thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước. Chúng em cũng được hiểu thêm nhiều thông tin lịch sử quý báu từ buổi nói chuyện này. Em mong nhà trường và các bác cựu chiến binh sẽ tổ chức thêm nhiều buổi nói chuyện ý nghĩa như thế này để chúng em được học hỏi nhiều hơn”, em Vũ Thị Kim Anh, học sinh lớp 8A Trường THCS Thanh Quang cho biết.

Cô Bùi Thị Ly, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thanh Quang cho rằng việc nói chuyện truyền thống của Hội Cựu chiến binh là một cách học lịch sử khá hiệu quả. “Tại buổi nói chuyện truyền thống hôm ấy, 18 học sinh trong trường đã xung phong trả lời câu hỏi giao lưu và hầu hết các em đều trả lời đúng. Tôi thấy các em khá hào hứng. Học lịch sử qua nhân chứng sống hiệu quả hơn rất nhiều so với chỉ học kiến thức khô khan qua sách vở”, cô giáo Ly chia sẻ.

Qua gần một năm phục vụ trong quân ngũ, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn An (quê ở thị trấn Ninh Giang) hiện đang tại ngũ tại Tiểu đội 7, Trung đội 12, Đại đội 6, Tiểu đoàn 3 (Trường Quân sự Quân khu 3) cho biết anh vẫn nhớ những lời dặn dò của các cựu chiến binh tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Theo chiến sĩ An, tại buổi nói chuyện hôm đó, các cựu chiến binh đã truyền cho anh lòng tự tin, giúp anh xây dựng, bồi đắp lòng tự trọng, tự tin, nêu gương thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đinh Văn Truy, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Hội Cựu chiến binh tỉnh đặc biệt quan tâm. Hội Cựu chiến binh tỉnh chỉ đạo Hội Cựu chiến binh cấp huyện, xã phải xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống một cách cụ thể; phối hợp các nhà trường, đoàn thể triển khai việc giáo dục truyền thống có hiệu quả; thường xuyên đổi mới phương thức truyền đạt nhằm tạo hứng thú cho thế hệ trẻ, từ đó giúp họ bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, những hiểu biết về lịch sử cách mạng của quê hương.

Trong năm 2023, các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho trên 35.000 lượt đoàn viên thanh, thiếu niên, học sinh.

HẠNH DUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cựu chiến binh tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ