Trong hơn 1 tuần qua, các máy bay săn ngầm của Mỹ đã liên tục ra vào Biển Đông để tìm kiếm tàu ngầm Trung Quốc.
Cá biệt trước đó trong tháng 5, máy bay Mỹ đã áp sát căn cứ tàu ngầm tuyệt mật của hải quân Trung Quốc, cách không xa nơi xảy ra vụ va chạm làm tiêm kích Trung Quốc gãy đôi năm 2001.
Sự xuất hiện của các máy bay săn ngầm Mỹ làm dấy lên suy đoán có lẽ đã có các hoạt động đáng ngờ của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực. Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong lòng biển đã diễn ra suốt nhiều năm qua và cũng quyết liệt không kém những cuộc đối đầu trên mặt biển nhưng ít được chú ý.
Bắc Kinh muốn phong tỏa cửa ngõ Biển Đông?
Sáng kiến Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một "think-tank" thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), hôm 26.6 tuyên bố đã phát hiện 3 máy bay của hải quân Mỹ bay qua eo Ba Sĩ phía nam đảo Đài Loan và tiến thẳng vào Biển Đông.
Biên đội gồm 1 chiếc săn ngầm P-8A Poseidon, 1 chiếc trinh sát điện tử EP-3 và 1 máy bay tiếp liệu trên không KC-135. SCSPI khẳng định đây là ngày thứ 6 liên tiếp máy bay săn ngầm Mỹ bay qua eo Ba Sĩ.
Sau vụ phát hiện một tàu ngầm nghi của hải quân Trung Quốc (PLAN) ngoài khơi đảo Amami Oshima ngày 18.6, Mỹ đã huy động tới Biển Đông gần như toàn bộ các loại máy bay săn ngầm cánh cố định đồn trú tại Nhật Bản. Các biên đội 3 hoặc 4 máy bay Mỹ luôn bật tín hiệu nhận diện, một động thái dường như cố ý để thể hiện rằng họ luôn bay qua eo Ba Sĩ trong 6 ngày liên tục.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời chuyên gia Su Tzu Yun (Đài Loan) suy đoán rằng rất có thể Mỹ đã nhận được tin tình báo đáng tin cậy về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại khu vực nên triển khai máy bay dò tìm các động thái bất thường.
Trong khi đó, giáo sư Alexander C. Huang (Đài Loan) lại cho rằng Mỹ đang muốn gửi một thông điệp cảnh cáo tới PLAN về ý định triển khai tàu ngầm đe dọa hoạt động của hải quân Mỹ. Eo Ba Sĩ được ví như nút thắt nối Biển Đông và biển Philippines.
Các tàu chiến Mỹ, bao gồm những tàu đã thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc và đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, vẫn thường đi qua eo biển này để tiết kiệm thời gian.
Mỹ giăng lưới đón tàu ngầm Trung Quốc
Hồi đầu tháng này, tờ Defence News dẫn các nguồn thạo tin cho biết Lầu Năm Góc đang nghiên cứu khả năng phát triển và đặt mua khoảng 50 robot tàu ngầm cỡ lớn cho mục đích giám sát dưới biển. Những robot này có thể giữ vai trò chủ động trong cuộc chiến săn ngầm ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Mỹ và Nhật đã bắt tay thiết lập hệ thống theo dõi tàu ngầm PLAN từ những năm 2000.
Theo Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa, mạng lưới giám sát âm thanh dưới biển này hoàn tất vào năm 2005 và chạy từ Kagoshima của Nhật Bản đến đảo Luzon của Philippines, tiến xuống các đảo của Indonesia rồi kết thúc ở quần đảo Andaman trên Ấn Độ Dương.
Với hình dạng như lưỡi câu cá, mạng lưới này còn được biết đến với tên gọi "Tuyến phòng thủ móc câu dưới biển". Tàu ngầm PLAN muốn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương phải đi ngang mạng lưới này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thế Phương - chuyên nghiên cứu về chiến lược quân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) của Việt Nam - lưu ý sự kiện biên đội 3 tàu sân bay Mỹ tập trận trên biển Philippines, gần cửa ngõ Biển Đông. Đây là khu vực tàu khảo sát Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học nhưng bị nghi ngờ là thực chất đang vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.
Một tàu ngầm lớp Tấn của PLAN với tên lửa đạn đạo JL-2, nếu tiến ra được vùng biển này trong thời chiến sẽ dư sức gieo rắc nỗi kinh hoàng bất ngờ cho bờ tây nước Mỹ.
Trung Quốc đáp trả ra sao?
Để đối phó, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển một hệ thống giám sát tàu ngầm tương tự, máy bay săn ngầm thế hệ mới và thiết lập các đường dây liên lạc bảo mật giữa các tàu ngầm - trung tâm chỉ huy qua tần số siêu thấp (30-300Hz) hoặc cực kỳ thấp (3-30Hz).
"Năng lực săn ngầm của Trung Quốc đã được cải thiện rất nhanh, đặc biệt sau những năm 2014-2015 và hiện ở tốp đầu Đông Á, có thể so kè với Nhật Bản. Bắc Kinh đã có máy bay KQ-200 với năng lực tương đương, thậm chí nhỉnh hơn, các máy bay săn ngầm dòng SC-130J hay P-3C Orion và chỉ chịu thua P-8A Poseidon của Mỹ.
Hiện tại PLAN vẫn lệ thuộc vào trực thăng săn ngầm Z-9 hoặc Ka-28 nhưng trong tương lai có thể sẽ có Z-20 tương đương dòng MH/SH-60 của Mỹ. Năng lực tàu ngầm cũng được cải thiện mặc dù chậm" - ThS Phương nhận định.
Hiện tại Bắc Kinh đang chủ trương nắm chắc vùng biển nằm bên trong chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới săn ngầm với các khí tài trên không vừa kể, tàu chiến mặt nước, đặc biệt là hệ thống cảm biến và giám sát cố định trong lòng Biển Đông.
"Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý vì chiến trường tiềm tàng nằm gần lãnh thổ chính, trong khi Mỹ có ưu thế về mặt công nghệ quân sự và có thể thi triển sức mạnh toàn cầu. Mặc dù vậy, Washington vẫn nhận thức rõ việc chuyển các nguồn lực quân sự cần thời gian và có những mắt xích yếu trong tuyến phòng thủ. Đó là lý do tại sao Mỹ luôn kêu gọi sự hợp sức của các đồng minh, đối tác cho thế trận cờ vây với Trung Quốc" - ThS Phương nêu lập luận.
70 Là số tàu ngầm Trung Quốc hiện có, nhỉnh hơn Mỹ chỉ 1 tàu. Hải quân Trung Quốc có 13 tàu ngầm hạt nhân nhưng chỉ 4 tàu có khả năng bắn tên lửa đạn đạo (SSBN). Trong khi đó, tất cả 69 tàu ngầm của Mỹ đều chạy bằng hạt nhân và có tới 14 tàu trong số này là SSBN. |
Theo Tuổi trẻ