Giữa trùng điệp núi non, lặng nhìn những nghĩa trang liệt sĩ, những đài hương, bia đá khắc tên tuổi biết bao người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống, dường như vọng về tiếng của cha ông...
Các nữ chiến sĩ tự vệ Lâm trường Bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bám trụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội địa phương đánh lui nhiều đợt tấn công của địch
Những ngày tháng hai, khoảng trời nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc xanh thẳm. Giữa trùng điệp núi non, lặng nhìn những nghĩa trang liệt sĩ, những đài hương, bia đá khắc tên tuổi biết bao người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống, dường như vọng về tiếng của cha ông, của lịch sử dân tộc ngàn năm đau thương mà anh dũng, của lớp lớp những người đi giữ đất, giữ biển đảo quê hương, tiếng của khát vọng hòa bình, của ý chí độc lập và tự cường…
Ở đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai), phía bên phải cổng có một bia đá gọi là “Bia trấn ải”, ghi những dòng chữ:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ
Nghĩa là: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.
Phía bên trái cổng đồn là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tấm đá xám khắc tên, tuổi của 37 liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 41 năm. Rạng sáng ngày 17.2.1979, sau những tiếng rít của đạn pháo là những chiếc xe tăng từ phía biên giới Trung Quốc tràn sang.
Những người lính Pha Long đã anh dũng nổ súng giáng trả, chặn bước tiến của quân địch. Bị vây đánh suốt 4 ngày đêm, lương thực, đạn dược cạn dần, thương vong ngày càng cao... Từ trưa 18 đến trưa 19.2, Pha Long đã phát 2 bức điện tín về hậu phương: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn một người cũng chiến đấu” và “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí!”.
Thời điểm ấy, Pha Long chỉ là một trong các điểm chiến sự trên mảnh đất Lào Cai. Và “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” chỉ là một trong sáu tỉnh biên giới có những người lính ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trước hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới từ bên kia biên giới tràn qua hồi mờ sáng ngày 17.2 bốn mươi mốt năm trước. “Biển người” đó đồng loạt tấn công trên suốt một dải 1.200 km từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh, với cái cớ ngụy biện vô căn cứ: “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Đối phương đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân và quân địa phương Việt Nam nơi biên ải Tổ quốc. Bị thiệt hại nặng nề, lúc này các quân đoàn chủ lực của Việt Nam từ Tây Nam cơ động lên biên giới phía Bắc, vào vị trí chiến đấu, tiêu diệt quân xâm lược, buộc đối phương phải chấp nhận thất bại cay đắng và tuyên bố rút quân vào ngày 5.3.1979. Tuy nhiên, sau ngày 16.3.1979, quân địch vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (cũ). Cả dân tộc Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Không chỉ ở tuyến đầu phía Bắc, lịch sử cũng khắc ghi cuộc chiến đấu oanh liệt và bi tráng bảo vệ chủ quyền đất nước tại vùng biển phía Nam. Ngày 14.3.1988, trong cuộc chiến đấu giữ các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Hình ảnh những người con đất Việt giữ vững lá cờ Tổ quốc trước làn đạn của quân thù vẫn còn mãi đến mai sau. Đó là hình ảnh Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh chiến đấu quyết liệt đến hơi thở cuối cùng để cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, như một cột mốc chủ quyền. Lời hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân" của Thiếu úy Trần Văn Phương trước lúc hy sinh đã trở thành bất tử.
Ký ức của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, người tham gia chiến đấu trực tiếp ở biên giới phía Bắc trong giai đoạn 1979 -1989 vẫn còn nguyên vẹn: Những năm tháng đối phương “cậy” quân đông, pháo mạnh, có những ngày bắn hàng chục vạn phát đạn pháo vào lãnh thổ Việt Nam. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành đi, giật lại. Không một hòn đá, không một mét đất nào không thấm máu người lính Việt Nam. Nhưng quân ta vẫn bám trụ từng điểm cao, từng tấc đất, mỏm đá, ngôi nhà. Quả đồi Đài còn có tên gọi là “Lò vôi thế kỷ” do đạn pháo dội vào mà bị sạt sâu hơn 1m. Hơn 2.500 người con của đất nước đã nằm lại quả đồi chỉ chừng 6,2 km2. Nước mắt không thể làm vị tướng già nguôi đi hình ảnh bao đồng đội đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Sau những năm tháng ác liệt, ngày 13.31989, quân xâm lược bắt đầu rút khỏi các vị trí chiếm đóng trên biên giới phía Bắc. Đó chính là ngày chiến thắng với những người con của quê hương đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì khát vọng hòa bình.
Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, mặc dù còn tồn đọng một số vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải, nhưng cơ bản khu vực biên giới đã duy trì được hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Điều quan trọng nhất là đường biên giới trên bộ đã được phân định, qua đó khẳng định chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó cũng cho thấy các quốc gia đều đã nhìn rõ sự cần thiết về một môi trường, một đường biên giới hòa bình, đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển!”.
Theo TTXVN