Ở Bình Liêu (Quảng Ninh) luôn có những chiến sĩ Hải Dương cùng đồng đội ngày đêm bám bản, góp phần xây dựng thành lũy Tổ quốc vùng Đông Bắc ngày thêm vững chắc.
Trung tá Nguyễn Huy Hoàng (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mô hình trồng mận tam hoa do đơn vị hỗ trợ gia đình anh Dường Chống Liền ở bản Trình Tường
Đứng trên cột mốc 1327 - cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc (thuộc huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) nhìn xuống là núi rừng biên cương hùng vĩ, xa xa là những bản làng lẫn trong màu xanh ngô, sắn... Ở nơi đó, có những người lính quê Hải Dương cùng đồng đội đang ngày đêm kiên trì bám bản, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.
Giúp dân xóa đói, giảm nghèo
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi vừa có chuyến thăm những người lính quê Hải Dương ở vùng đất mỏ Quảng Ninh, nơi phên dậu Đông Bắc Tổ quốc. Đón chúng tôi khi trời đã nhá nhem tối, Đại tá Đặng Công Chiến, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3 (quê ở TP Hải Dương) nói: “Tối nay các bạn cứ nghỉ ngơi, khám phá thị trấn Bình Liêu về đêm. Ngày mai, mời các bạn vào bản, thăm một số mô hình mà bộ đội đang hỗ trợ bà con nơi đây”.
Hôm sau, đúng 6 giờ sáng, chúng tôi xuất phát. Con đường uốn mình vắt qua các bản làng, những vườn cây, những cánh rừng vùng biên xanh mướt đưa chúng tôi đến khu dân cư Trình Tường, bản Pắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Xe vừa dừng, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, là người con quê hương xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) vui mừng khi gặp đồng hương trên mảnh đất biên cương.
Theo chân anh, chúng tôi đi thăm mô hình trồng mận tam hoa của bà con khu dân cư Trình Tường. Mô hình do chính anh Hoàng là “cha đẻ”, triển khai từ năm 2020. 30 năm gắn bó với mảnh đất Bình Liêu, rồi làm rể xã Hoành Mô, hơn ai hết, anh Hoàng hiểu rõ từng thói quen, tập quán, văn hóa của các đồng bào sinh sống ở nơi này. Chính vì vậy, ngay sau khi giữ cương vị Giám đốc Lâm trường 156 vào năm 2019, anh Hoàng luôn trăn trở làm thế nào để đồng bào có cuộc sống tốt hơn. Làm sao có nhiều mô hình kinh tế bền vững hơn nữa để bà con yên tâm sản xuất, cắm bản? Đầu năm 2020, anh đã lặn lội lên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tìm hiểu rồi đưa mô hình trồng mận tam hoa về phát triển tại địa phương.
Đến nay, đã có trên 10 ha với khoảng 4.000 gốc mận được trồng tập trung chủ yếu tại khu dân cư Trình Tường. Năm 2022, toàn bộ diện tích mận tam hoa đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. “Trình Tường là một trong những khu dân cư khó khăn nhất của bản Pắc Cương. Khu dân cư này giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hiện có 15 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu là người Dao Thanh Phán. Trước đây, cư dân chủ yếu đi làm thuê ở bên kia biên giới. Khi tuyến vành đai giáp hai nước được xây dựng, người dân Trình Tường gặp rất nhiều khó khăn vì không có việc làm ổn định, nhiều hộ có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống. Việc tạo kế sinh nhai bền vững cho đồng bào rất quan trọng, giúp bà con yên tâm bám bản, phát triển sản xuất, giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc”, Trung tá Hoàng nói.
Mùa này, mận đang vào độ đẫy quả. Những chấm tròn xanh căng mọng trên cành thắp sáng hy vọng của đồng bào Trình Tường và cả của những người lính Lâm trường 156. Thoáng thấy màu áo xanh quen thuộc của cán bộ lâm trường đến thăm, anh Dường Chống Liền đang chăm sóc vườn mận vội khoe: “Mận năm nay sai hơn năm ngoái, quả phát triển đều. Năm trước, nhà tôi có gần 1 ha đã cho thu hoạch rồi, giá bán tốt lắm. Làm theo hướng dẫn của bộ đội, chúng tôi tin cây mận sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo của bà con Trình Tường”.
Ở Lâm trường 156, không chỉ có Trung tá Nguyễn Huy Hoàng mà nhiều người lính Hải Dương trên dải biên cương này những năm qua luôn khắc phục khó khăn, bám bản, đồng hành cùng bà con trong xóa đói, giảm nghèo. Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Nà Sa (bản Nà Sa, xã Hoành Mô), người con quê Thanh Hà cũng đã có gần 10 năm gắn bó với bà con nơi đây. Nhớ lại ngày mới lên đây, anh Cường kể, cả đội chỉ có 4 anh em ở trong căn nhà tạm, nhìn sang bên kia là nước bạn, không điện, không đường, không sóng điện thoại. Ngày ngày, anh em trong đội phải đi theo đường mòn xuống tận bản gánh nước ăn. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh em trong đội chân cứ bước, tay cứ làm. Ngày lại ngày chia nhau đến từng gia đình vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, gà, lợn... Cứ thế, từng mảng rừng được phủ xanh, từng vạt cam được trồng, từng chuồng trại chăn nuôi được gây dựng.
Thiếu tá Phạm Tất Ban (ngồi ngoài cùng bên phải) tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc cách vệ sinh phòng bệnh
Người con của bản
Không chỉ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào nơi đóng quân, những cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương đang công tác, làm việc tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 còn đóng góp tích cực vào việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào nơi đây.
Đến Bệnh xá Quân dân y Lâm trường 155, xã Đồng Văn, chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy cảm động về Thiếu tá, bác sĩ Phạm Tất Ban. Anh Ban quê ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện). 44 tuổi đời, thì có đến 26 năm anh gắn bó với vùng đất Bình Liêu. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Ban nhập ngũ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327. Sau đó, anh được đơn vị cử đi học lớp y sĩ, rồi học bác sĩ đa khoa. Năm 2011, tốt nghiệp ra trường, anh về công tác tại Bệnh xá Quân dân y Lâm trường 155. Hiện anh là Bệnh xá trưởng.
Bệnh xá có 2 nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị và người dân 3 xã: Đồng Văn, Đồng Tâm, Tình Húc (huyện Bình Liêu). Đây đều là những xã vùng sâu, vùng xa, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Trong khi đó đội ngũ y, bác sĩ của bệnh xá ít, có thời điểm phân tán do yêu cầu nhiệm vụ, phương tiện cấp cứu, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán còn hạn chế. Vào những năm trước, do phong tục tập quán, khi bị bệnh nhiều bà con dân tộc thường có thói quen chữa bằng thuốc nam hoặc "cúng ma". Chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đưa đến bệnh xá. Điều này khiến cho công tác khám chữa bệnh cho đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Với trách nhiệm là Bệnh xá trưởng, anh Ban đã chủ động tham mưu cho cấp trên chỉ đạo các tổ đội công tác, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện của đơn vị, phối hợp các cơ sở y tế làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ăn ở khoa học, hợp vệ sinh, không tự ý chữa bệnh tại nhà; kết hợp y tế địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho y tá thôn, bản..
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về bác sĩ Ban mà bà con nhiều bản, làng ở đây còn nhắc mãi. Năm 2016, bà Chìu Nhì Múi ở bản Cao Sơn, xã Hoành Mô bị viêm phổi mạn tính, gia đình lấy lá rừng cho uống nhưng mãi không khỏi. Gia đình tiếp tục mời thầy mo đến nhà cúng, nhưng bệnh càng nặng thêm. Khi người nhà đưa đến Bệnh xá Quân dân y Lâm trường 156 thì bà đã thở gấp, đau ngực, bệnh rất nặng. Bác sĩ Ban đã khẩn trương hội ý với các y, bác sĩ và nhanh chóng tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của bác sĩ tuyến trên để lên phác đồ điều trị. Sau hơn 2 tuần được tận tình cứu chữa, chăm sóc, sức khỏe bà Múi tiến triển tốt và được ra viện. Biết được hoàn cảnh gia đình bà Múi khó khăn, bác sĩ Ban đã không lấy tiền thuốc và còn cấp một số thuốc cho bà dùng tại nhà.
Hay ở bản Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Tâm có trường hợp ông Dường A Tài bị bệnh xương khớp. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên ông đã nằm liệt giường nhiều tháng mà không có tiền chữa trị, bệnh tình ngày càng trở nặng. Tình cờ, một lần đi cơ sở làm công tác tuyên truyền, bác sĩ Ban biết được hoàn cảnh của ông Tài. Vậy là mỗi ngày sau giờ làm việc, anh lặn lội đi hơn 20 km đường rừng đến nhà điều trị cho ông. Hơn 1 tháng ròng rã, khi sức khỏe ông Tài chuyển biến tốt, bác sĩ Ban khuyên ông đến bệnh xá để tiếp tục điều trị. Đến lúc ông Tài đi lại bình thường thì bác sĩ Ban mới cho xuất viện. Toàn bộ tiền thuốc, tiền ăn ở của ông Tài đều được bác sĩ Ban hỗ trợ.
Hôm chúng tôi đến thăm, anh Ban đang tất bật chăm sóc vườn cây thuốc Nam trong bệnh xá. Anh Ban bảo: “Điều làm tôi vui nhất khi công tác tại bệnh xá này là các y, bác sĩ ở đây được bà con nhân dân yêu quý, dành cho những tình cảm tốt đẹp. Bà con thường gọi chúng tôi với cái tên gần gũi là “người con của bản”. Vì vậy, mùa nào thức nấy, có gì bà con cũng mang cho, khi thì vài ba bắp ngô, củ sắn, bó rau, có lúc là cả chai mật ong rừng do chính tay bà con săn được”...
Chẳng thể kể hết chuyện về những người lính Hải Dương nơi biên cương Đông Bắc Tổ quốc. Những gì họ đã và đang làm trên quê hương thứ hai này thật đáng ghi nhận. Đại tá Đặng Công Chiến khẳng định những năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương đã tích cực đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của đơn vị, đồng thời tham gia có hiệu quả vào việc di dãn dân ra bám biên, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu...
HÀ VY - THANH NGA