Vượt qua vất vả, gian lao, những cán bộ, chiến sĩ người Hải Dương đang công tác tại Đồn Biên phòng Mường Khương (Lào Cai) luôn bền gan, vững chí góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Hiên ngang giữa núi rừng
Đường lên huyện Mường Khương không còn khó đi như trước nhưng vẫn ngoằn ngoèo, hiểm trở. Từ TP Lào Cai lên đây chỉ chừng 50 km cũng là thử thách với những ai dễ say xe. Đồn Biên phòng Mường Khương tựa vào núi, có nhiệm vụ bảo vệ gần 90 km biên giới Việt-Trung. Nơi đây có những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số Pa Dí, Mông, Phù Lá sinh sống. Thấp thoáng nơi núi rừng là những đồi quýt trĩu vàng căng mọng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan đơn vị và những bản làng, Thiếu tá Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Khương cho chúng tôi biết khái quát kết quả đã đạt được trong năm qua. Nhớ như in nhiều số liệu, Thiếu tá Trai nói năm 2023, đơn vị đã triển khai 192 đợt nắm bắt tình hình trên địa bàn biên giới; phối hợp bắt giữ 3 vụ với 4 đối tượng, thu giữ 16 bánh heroin… Đồn cũng duy trì tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
Tham quan Hội trường Hồ Chí Minh nổi tiếng ở Đồn Biên phòng Mường Khương, biết chúng tôi từ Hải Dương lên, Thiếu tá Trai tự hào giới thiệu nhiều hình ảnh hoạt động của đơn vị, trong đó có những hình ảnh người con xứ Đông chắc tay súng, ngày đêm bảo vệ biên cương.
Chúng tôi được gặp người đồng hương đầu tiên ở mảnh đất biên cương. Đó là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Thoan, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Tung Chung Phố. Anh Thoan sinh năm 1971, ở xã Tân Phong (Ninh Giang), đã gắn bó với miền biên giới hơn 20 năm. Anh làm nhiệm vụ vận động quần chúng, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nơi anh công tác là xã biên giới khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt. Dẫu vậy, anh Thoan cùng đồng đội chưa khi nào lơ là nhiệm vụ, vẫn kiên trì bám bản, bám làng, là chỗ dựa của đồng bào. Anh thuộc nằm lòng thông tin, hoàn cảnh của 512 hộ dân, 2.613 nhân khẩu tại 18 thôn, bản ở đây. Thậm chí, anh nói thành thạo tiếng Mông và tiếng Pa Dí để gần gũi, thân tình hơn với bà con.
Rèn luyện, trưởng thành ở miền biên giới xa xôi, quanh năm sương mù giăng kín lối nên anh Thoan rắn rỏi, bản lĩnh. Tổ của anh có 5 người. Ngoài canh gác, bảo đảm an ninh trật tự khu vực giáp ranh, các chiến sĩ còn miệt mài gây dựng nếp sống mới, đẩy lùi hủ tục lạc hậu. “Muốn bảo vệ biên giới phải dựa vào nhân dân. Vì thế tôi luôn nỗ lực để vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ”, anh Thoan nói.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Hữu Tư, sinh năm 1970, ở xã Văn Hội (Ninh Giang) là quân y. Trước khi dừng chân ở Mường Khương, anh đã công tác ở nhiều đồn khác như Bản Lầu, Y Tý, Bát Xát… nên thấm thía hết những khó khăn, gian khổ ở miền non cao. Ngoài chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ trong đồn, anh Tư còn tích cực tham gia các chương trình y tế địa phương, tư vấn, hỗ trợ nhằm nâng cao nghiệp vụ khám chữa bệnh cho các trạm y tế miền núi.
Theo anh Tư, hiện thuốc cấp phát đã cơ bản ổn định song ở nơi xa xôi, mỗi viên thuốc đều quý giá. Ở vùng cao, nhận thức của người dân về y tế còn hạn chế, anh Tư phải đi bộ, leo núi, băng đồi để tới tận nhà dân tuyên truyền, vận động tiêm chủng. “Ngày mưa đường lầy lội, trơn trượt. Hôm không mưa thì sương mù mờ mịt nhưng tôi không nản lòng. Nhờ bền bỉ, kiên trì thuyết phục, tuyên truyền mà người dân dần rời xa hủ tục, tin tưởng chiến sĩ biên phòng, không còn chữa bệnh theo mê tín dị đoan”, anh Tư chia sẻ.
Cất nỗi niềm riêng
Người lính Hải Dương ở miền biên giới như cây bách, cây tùng, luôn vững chãi, hiên ngang, không chịu khuất phục trước điều kiện khó khăn, gian khổ dẫu có những nỗi niềm riêng.
Vợ Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trường Khương (sinh năm 1974) làm nhiệm vụ ở Tổ công tác biên phòng Dê Chú Thàng, vẫn ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Chị Bùi Thị Sim là giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phúc. Do khoảng cách xa xôi, anh Khương luôn canh cánh nghĩa vụ làm chồng, làm cha. Vất vả hơn khi người con trai đầu lòng của anh không may mắn, bị khuyết tật nặng. "Để anh Khương yên tâm công tác, tôi cố gắng cáng đáng hết công việc hai bên nội, ngoại. Mỗi năm, anh chỉ về nhà vào kỳ nghỉ phép, còn lại mọi thông tin, tình hình về gia đình đều thông qua sóng điện thoại chập chờn nơi làng bản xa xôi, hẻo lánh. Có khi con ốm, nhà có việc nhưng tôi không dám nói để anh yên tâm công tác", chị Sim chia sẻ.
Dù vậy, ý chí người lính chưa khi nào lung lay, càng thương vợ, nhớ con, anh Khương càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nỗi niềm riêng được anh gói ghém, cất giấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng. “Vợ chồng tôi luôn động viên nhau để cố gắng vượt qua khó khăn. Vì thế, 20 năm qua, cả tiền tuyến và hậu phương đều nhìn về một hướng”, anh Khương giãi bày.
Vợ con đã chuyển lên Lào Cai song anh Thoan vẫn còn bố mẹ ngoài 80 tuổi ở quê nhà Hải Dương. Mỗi năm, anh đều cố gắng về thăm bố mẹ và họ hàng. Anh Thoan nói rằng là lính biên phòng thì luôn can trường nhưng vẫn có những lúc suy tư. Đó không phải là yếu lòng mà là nghĩ về những người thân yêu để vững lòng bảo vệ biên cương. “Phía trước vẫn còn nhiều gian khổ nhưng vượt lên khó khăn, những người lính biên phòng luôn lạc quan, yêu đời”, anh Thoan chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, hơn 20 người con Hải Dương công tác tại Bộ đội Biên phòng Lào Cai đang ngày đêm chung sức bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình, họ còn luôn gần gũi, hỗ trợ nhân dân địa phương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
CƯỜNG ĐẠT