Cuộc chiến chống các tin tức giả mạo trên thế giới

02/04/2019 16:39

Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mức phạt với việc đăng tin giả ở Nga có thể lên tới 1,5 triệu ruble. Ảnh minh họa

Đế đối phó, Nga vừa ban hành hai đạo luật hạn chế sự phát tán các thông tin giả mạo. Nhiều quốc gia khác cũng không đứng ngoài “cuộc chiến” này.

Nga mạnh tay chống tin giả

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18.3.2019 ký ban hành và công bố hai đạo luật, theo đó sẽ phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng (online).

Đạo luật thứ nhất cấm truyền bá các thông tin giả mạo "có tầm ảnh hưởng xã hội lớn", có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng. Theo đó, nếu loan truyền những thông tin không đúng, tạo ra mối đe dọa gây tổn hại đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người dân, vi phạm trật tự công cộng, nếu những hành động này không có hình phạt hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000 - 100.000 ruble (khoảng 1600 USD) đối với cá nhân; từ 60.000 - 200.000 ruble đối với quan chức; đối với các tổ chức, mức phạt giao động từ 200.000 - 500.000 ruble. Trường hợp phổ biến những thông tin giả mạo gây ra sự nhiễu loạn trong hoạt động các công trình bảo đảm đời sống, cơ sở hạ tầng giao thông hoặc xã hội, viễn thông, năng lượng thì mức phạt đối với cá nhân dao động từ 100 - 300.000 ruble, quan chức từ 300.000 - 600.000, trong khi mức phạt đối với các tổ chức được nâng lên mức 500.000 - 1 triệu ruble. Mức phạt tăng lên đối với hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet những thông tin giả mạo gây ra chết người, làm phương hại sức khỏe hay tài sản, ngừng hoạt động các cơ sở bảo đảm đời sống, hạ tầng giao thông hay xã hội, viễn thông, năng lượng. Trong trường hợp này mức phạt cao nhất lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.000 USD).

Đạo luật thứ hai được ông Putin ký ban hành nhằm xử lý các hành vi "xúc phạm các biểu tượng và thể chế Nhà nước". Người vi phạm sẽ bị phạt với mức tối đa là 300.000 ruble (4.500 USD). Đạo luật này xác định trình tự hạn chế tiếp cận “thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của LB Nga, Hiến pháp LB Nga hay các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nhà nước tại LB Nga”. Trong trường hợp phát hiện thông tin dạng này, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn lan truyền. Nếu trong vòng 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

Các nghị sĩ Nga cho rằng các biện pháp mới này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại tin giả và lạm dụng các bình luận trực tuyến. Luật mới cho phép nhà chức trách có quyền chặn các trang web nếu không tuân thủ với yêu cầu dỡ bỏ thông tin mà chính quyền cho là sai sự thật. Theo luật mới, cơ quan công tố có thẩm quyền quyết định mức nguy hiểm mà thông tin online giả mạo gây ra và yêu cầu cơ quan giám sát viễn thông Roskomnadzor hạn chế quyền truy cập các nguồn tin online này.

Thế giới đang tràn ngập thông tin giả mạo 

Các luật trên được ban hành ở Nga trong bối cảnh trên thế giới cũng xuất hiện làn sóng tin giả mạo gây ảnh hưởng không nhỏ.

Cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng, thống nhất về tin tức giả, nhưng tin tức giả có thể xác định là “những thông tin sai, thường là giật gân, được phát tán dưới vỏ bọc tin tức" (theo định nghĩa của từ điển Collins).

Tin tức giả có thể phân thành hai loại: Là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; và những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Mục đích ban đầu của các tin tức giả chỉ là đánh lừa người dùng để tiếp thị quảng cáo sản phẩm - dịch vụ, dần dần lôi cuốn hình thành những trào lưu giải trí, nghiêm trọng hơn là những thông tin xấu, độc hại, đả kích chính quyền, xuyên tạc.

Đối tượng bị nhắm tới là cá nhân, tổ chức quan chức nhà nước và cả các doanh nghiệp kinh doanh… Những tin tức giả này làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức cả về mặt kinh tế lẫn đời sống tinh thần, thậm chí có thể khiến các nạn nhân có các hành động gây nguy hiểm đến tính mạng. Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất mà các tin tức giả gây ra đó là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và của báo chí chủ lưu nói riêng. Chúng khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

Trên thế giới, trường hợp điển hình của tình trạng tin giả mạo có thể kể đến là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Sự kiện này được thảo luận trên toàn cầu với nhiều luồng ý kiến tranh luận. Khi người dân còn đang xem xét, chưa đi đến quyết định ủng hộ, bầu cho ai thì hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng phát tán trên mạng xã hội, mạng Internet với tốc độ lan truyền chóng mặt như: “Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary bán vũ khí cho IS”, “Mật vụ FBI tình nghi trong vụ rò rỉ thư điện tử của bà Hillary Clinton được tìm thấy đã chết”… thu hút sự chú ý lớn của mọi người, vượt qua cả những tin tức chính thống.

Hay tại Pháp, thời gian vừa qua các tin tức không đúng sự thật lưu truyền trong phong trào biểu tình "Áo vàng" đã nhận được hơn 100 triệu lượt xem và 4 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.

Tại Nga, trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 3.2018 khoảng 1 năm, Tổng thống Putin đã trở thành mục tiêu của rất nhiều tin đồn giật gân như: Sở hữu khối tài sản hơn 200 tỷ USD; Tổng thống Putin là robot máy; cuộc sống với người tình trẻ của Putin sau khi li dị vợ cũ....

Ở Ấn Độ và nhiều nước khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, tin tức giả mạo thường nhắm vào chủ đề tôn giáo với ý đồ chính trị. Những tin tức sai sự thật được tạo ra với chủ ý tạo mâu thuẫn trong các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Hậu quả của vấn nạn tin giả trong lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc là rất nguy hiểm bởi từ những bản tin, bài báo giả, những cộng đồng tôn giáo có thể thù ghét, xung đột, chiến tranh với nhau, từ đó tạo ra những khu vực bất ổn quy mô lớn.

Còn nhớ, các mạng truyền thông xã hội cũng đã từng bị các lực lượng chống đối lợi dụng để thực hiện cái gọi là Mùa xuân Arab, kích động làn sóng biểu tình, gây bạo loạn và tiến tới lật đổ các chính phủ hợp hiến tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya,… Theo một cuộc điều tra của Al Jazeera, có tới 90% số người được hỏi tại Tunisia và Ai Cập đã thừa nhận rằng họ từng sử dụng mạng xã hội Facebook để loan truyền lời kêu gọi các cuộc biểu tình. Những thông tin giả mạo, bịa đặt, mang tính kích động được phát tán một cách nhanh chóng, khiến người dân không đủ tỉnh táo và bị cuốn vào làn sóng bạo loạn, lật đổ...

Thực tế này gióng lên một hồi chuông cảnh báo người dùng Internet về tính xác thực của thông tin mà họ nhận được hàng ngày.

Các nước hành động

Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với tình trạng tin giả, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đã nêu cao các cảnh báo về nạn tin giả. Singapore đã thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 10 thành viên để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý.

Ở Philippines, đích thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có những hành động mạnh tay đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội trên Facebook, những tổ chức mà nhà lãnh đạo Philippines cho là chuyên phao và lan truyền tin giả chống lại chính quyền.

Tại Malaysia, vào tháng 4.2018, chính quyền nước này đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Theo đó, các đối tượng cố ý tung tin giả có thể bị phạt tù tới 6 năm. Phạm vi áp dụng luật mới rất rộng, gồm cả ấn bản số và truyền thông xã hội. Đối tượng tung tin giả có thể sống tại Malaysia hoặc quốc gia khác, gồm cả người nước ngoài nếu hậu quả ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân nước này.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã lập kế hoạch chi hơn 128 triệu Baht (tương đương 3 triệu USD) để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội. Theo đó, hệ thống phân tích dữ liệu mạng xã hội sẽ theo dõi và lưu trữ tất cả dữ liệu trên mạng xã hội để phân tích và giám sát hàng triệu người.

Trung Quốc thì không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ của nước này sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Với nước Mỹ, dưới sức ép của chính quyền và dư luận, một số ông chủ của các công nghệ lớn, điển hình là Giám đốc điều hành của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook trong năm 2018 vừa qua cũng đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra về những chiến dịch tung tin giả từ nước ngoài trong đó có sử dụng dịch vụ quảng cáo có trả tiền và những dữ liệu người dùng mà Facebook đã cung cấp cho một công ty thứ 3 ở châu Âu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống cuối năm 2016.

Tại Pháp, hãng thông tấn AFP đã ký một thỏa thuận kiểm chứng sự thật với Facebook để xác minh và vạch trần tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng, theo đó các bài viết phải được đăng phát trên trang blog Fact Check của AFP trước khi được đăng lên Facebook cho người dùng…

Có thể thấy, trong thời đại 4.0 hiện nay, mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, nhưng mặt trái của nó cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Do đó, các quốc gia cần đánh giá đúng những hệ lụy mà tin tức giả đem đến, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyên, ngăn chặn, tích cực phát động cuộc chiến chống tin tức giả thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, biết sàng lọc các nguồn thông tin để tiếp nhận và chia sẻ.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống các tin tức giả mạo trên thế giới