Cứ 3 người học đại học mới có 1 người học cao đẳng

14/06/2022 06:53

Nhiều chỉ số cho thấy, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chỉ số xếp hạng nhân lực của Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực. Trong khi đó, cơ cấu nhân lực có độ vênh tạo ra tình trạng thiếu hụt nhân lực tham gia lao động trực tiếp.

Đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên.

Báo cáo về công tác tuyển sinh gắn với việc làm, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025 đến 2030 lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 30%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê từ 2021 đến hết quý 2/2022 chỉ số lao động qua đào tạo gần như không tăng, giữ ở mức 26.1%.

Trong khi đó cơ cấu nhân lực của Việt Nam cũng bị đánh giá là đang mất cân đối. Các nước trong khu vực 1 người tốt nghiệp Đại học (ĐH) thì có 3 người tốt nghiệp cao đẳng (CĐ), 5 người tốt nghiệp Trung cấp (TC). Còn ở Việt Nam, 1 người học ĐH trở lên thì có thì 0.35 người học CĐ, 0.65 người học trung cấp và 0.4 người học sơ cấp. Tính ra, 3 người học ĐH mới có 1 người học CĐ. Tỷ lệ bị vênh nên nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đang bị thiếu.

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bản thân hệ thống Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 10 năm từ 2011-2020 tuyển sinh gần 20 triệu lượt nhưng trong số đó số học Trung cấp, CĐ chỉ chiếm gần 20%, còn lại 80% là sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Do đó, cơ cấu tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp cũng đang bị lệch. Chiến lược nâng dần tỷ lệ học trung cấp, CĐ gặp khó khăn, đặc biệt tuyển sinh lực lượng tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống Giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Đào Trọng Độ, giải pháp cho tuyển sinh trong giai đoạn tới là tiếp tục tăng cường hệ thống tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số, các app tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phê duyệt chương trình tổ chức đào tạo, chuyển đổi số, gắn kết doanh nghiệp trong tuyển sinh tổ chức đào tạo, có thể tuyển sinh gắn với việc làm, thị trường lao động...

Trong khi đó, theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đăng ký tuyển của doanh nghiệp cho thấy nhu cầu tuyển lao động trình độ chỉ chiếm khoảng 25%; còn lại là muốn tuyển lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và thậm chí là sơ cấp. Điều ra (việc làm) đang hoàn toàn tỷ lệ ngược với đầu vào (là tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp).

Ngày 30.12.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Chất lượng đào tạo xếp thứ 102/141 quốc gia xếp hạng.
Năng suất lao động tính theo giờ làm việc của chúng ta thuộc tốp thấp nhất khu vực. Nếu như Singapore đạt năng suất 54.9 thì Việt Nam chỉ 4.4 (tức chưa bằng 1/10), chỉ bằng ½ so với Philippines, bằng 1/4 so với Indonexia và Thái Lan.
Năng suất tính theo theo thu nhập năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ nằng 7.3% so Singapore và 1/2 so với Philippines.
Chỉ số xếp hạng nhân lực của Việt Nam xếp thứ 70/100 quốc gia xếp hạng, so với các nước trong khu vực tham gia xếp hạng chúng ta chỉ xếp trên Campuchia (xếp thứ 86).
Lao động chuyên môn cao của Việt Nam đứng thứ 81/100 quốc gia xếp hạng. So với trong khu vực chúng ta chỉ xếp trên 2 quốc gia là Indonexia (hạng 83) và Campuchia (hạng 87).

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứ 3 người học đại học mới có 1 người học cao đẳng