COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh

31/03/2022 06:24

Đây là báo cáo của ông Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại hội nghị do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30.3 về di chứng hậu COVID-19.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 1.

Y, bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh (quận 9, TP Hồ Chí Minh) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ông Kính, COVID-19 để lại 203 di chứng ở nhiều người mắc, trong đó có 80% người gặp di chứng hậu COVID-19 thấy mệt mỏi, 61% có xơ phổi, 52% gặp vấn đề về trí nhớ, 45% mất ngủ, 33% tổn thương thận cấp...

Ông Kính khẳng định giới chuyên môn đánh giá trường hợp gặp di chứng hậu COVID-19 nếu rối loạn xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19, kéo dài thông thường trong 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.

Triệu chứng hậu COVID-19 bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác như rụng tóc, ho kéo dài, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác, vị giác... có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Ông Kính cũng cho rằng hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ. "Một số lượng lớn người lớn và trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng con số chính xác thì khó để xác định", ông Kính cho biết thêm.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Tỷ lệ tử vong/tổng ca nhiễm đã giảm 0,6% trong vòng 1 tháng

Cùng với số ca mắc COVID-19 giảm (dưới 100.000 ca/ngày), số ca bệnh nặng và tử vong cũng giảm theo. Hiện cả nước đang điều trị 3.635 ca bệnh nặng và trong ngày 30.3 có 41 ca tử vong. Tỷ lệ ca tử vong trên tổng số ca nhiễm là 0,5%.

Cách đây khoảng một tháng, số ca bệnh nặng trung bình mỗi ngày cần điều trị lên gần 4.000 ca, và ca tử vong trên dưới 100 ca/ngày. Tỷ lệ ca tử vong trên tổng ca nhiễm thời điểm đó là 1,1%.

Như vậy, có thể thấy chỉ trong vòng 1 tháng, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm của cả nước đã giảm 0,6%, xuống mức 0,5% hiện nay.

Theo thống kê Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế, tính đến chiều 30.3), TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 984 ca bệnh COVID-19 mới, tăng 250 ca so với ngày hôm trước. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 0,055%, số ca khỏi giảm 0,11%, số ca tử vong giảm 0,22%, số ca đang điều trị giảm 0,27%, số ca nặng giảm 1%.

Còn tại Hà Nội, trong vòng 24 giờ có thêm 8.143 ca, giảm 850 ca so với ngày hôm trước. Trong số ca đang điều trị tại bệnh viện có 222 ca phải thở oxy, 25 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 0,23%, số ca khỏi giảm 0,2%, số ca tử vong giảm 1%, số ca đang điều trị giảm 0,18%, số ca nặng giảm 0,27%.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nhập thông tin người tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau mũi 3, có thể nghiên cứu tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ 

Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin COVID-19; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên.

Trước mắt tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí cho người dân; sau khi tiêm đủ liều bổ sung, từng bước nghiên cứu cơ chế tiêm vắc xin dịch vụ sau khi tiêm đủ 3 mũi.

Bộ Y tế cũng cho biết một số tỉnh, thành phố có số tiêm mũi 1, mũi 2 cao hơn dân số từ 18 tuổi trở lên và số tiêm mũi 2 cao hơn mũi 1 do di biến động dân cư.

Đến hết ngày 28.3, đã tiêm được cho 81% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3; số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì:

- Số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; 

- Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh